Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Nền kinh tế hàng rong' gây ra nhiều tranh cãi ở Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi người thất nghiệp bán hàng rong để đưa nền kinh tế về quỹ đạo cũ, nhưng không phải thành phố nào cũng đồng tình.

Xie Yiyi mất việc cuối tuần trước. Việc này khiến cô gái 22 tuổi ở Bắc Kinh trở thành một trong hàng triệu người trẻ Trung Quốc chịu tác động từ đại dịch. Những cũng ngày hôm đó, cô quyết định mở một quầy thịt nướng rong, sau khi nghe được rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khuyến khích việc này.

Rất nhiều người Trung Quốc coi việc bán xiên thịt rong là bước lùi với một người trẻ, tốt nghiệp đại học ở Mỹ như Xie. Thậm chí, nó cũng là bước lùi với tất cả mọi người.

Bán hàng rong bị nhiều người Trung Quốc coi là hình ảnh đáng xấu hổ, gợi nhớ về thời kỳ nghèo khó trước đây của đất nước. Tại nhiều thành phố, giới chức còn không cho phép các xe hàng bán trang sức, quần áo rẻ tiền và đồ ăn vặt hoạt động.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm các quầy hàng rong ở Sơn Đông. (Ảnh: Kyodo)

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây lại kêu gọi những người thất nghiệp chuyển sang bán hàng rong để đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo trước đại dịch. Ông đã châm ngòi cho cuộc thảo luận về sự thịnh vượng của Trung Quốc từ tháng trước, trong cuộc họp báo thường niên sau kỳ họp quốc hội.

Trong đó, ông đề cập đến vấn đề thất nghiệp do đại dịch và khen ngợi những người trẻ mở quán trà vỉa hè khi Trung Quốc bắt đầu phát triển đầu thập niên 80.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chỉ ra 600 triệu người Trung Quốc, tương đương 43% dân số, có thu nhập hàng tháng chỉ 140 USD. Ông còn lấy ví dụ một lao động nhập cư hơn 50 tuổi không thể tìm được việc sau khi đã làm việc tại nhiều thành phố suốt 30 năm.

Vài ngày sau đó, ông đến thăm những người bán hàng rong tại tỉnh Sơn Đông. "Quốc gia tạo thành từ người dân. Chỉ khi người dân ổn, cả nước mới ổn", ông Lý Khắc Cường nói.

Dù vậy, việc này lại đang tạo ra nhiều quan điểm trái chiều về nền kinh tế hậu COVID-19. Liệu Trung Quốc có phải là đất nước ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu, đặc trưng bởi các tòa nhà chọc trời và khuôn viên lớn của các hãng công nghệ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến? Hay phần lớn đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu với các quầy bán hàng rong?

Giới chức các thành phố Trung Quốc dường như cũng đang bất đồng về việc này. Một bài bình luận trên tờ Beijing Daily liệt kê hàng loạt vấn đề mà bán hàng rong tạo ra. Họ cho rằng hoạt động này "không vệ sinh và văn minh".

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV cũng cho rằng "nền kinh tế hàng rong không phù hợp với các thành phố hạng nhất", như Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Các quầy hàng rong tại một chợ đêm ở Hà Nam (Trung Quốc) đầu tháng 6. (Ảnh: Xinhua)

Xie thì biết rằng vấn đề này vẫn còn chưa chắc chắn. Ở một website mua sắm, cô đã bỏ vào giỏ hàng vỉ nướng, than đá, xiên que, nước có gas, với kỳ vọng việc bán thịt nướng giúp cô trang trải cuộc sống cho đến khi kiếm được công việc tốt hơn.

Tuy nhiên, Xie vẫn chưa click nút "Mua hàng", vì còn phải chờ xem liệu giới chức Bắc Kinh có đồng ý với lời kêu gọi của Thủ tướng hay không.

"Quan chức cấp cao đang nói khác nhau", Xie giải thích, "Vì thế, tốt hơn hết là tôi nên thận trọng trước khi mua hàng".

Lần cuối cùng Thủ tướng Lý gây chú ý nhiều đến như vậy là cách đây 5 năm, khi ông ủng hộ đột phá và khởi nghiệp. Việc này đã tạo ra làn sóng đầu tư vào các quỹ mạo hiểm và startup.

Nhưng đó là khi Trung Quốc còn nhiều tham vọng. Hiện tại, họ đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong hàng chục năm qua. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đáng kể vì các biện pháp phong tỏa chống đại dịch. Dù chính phủ cho biết tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 6%, một số tổ chức ước tính con số này lên tới 20%. Quan hệ của Trung Quốc với một vài quốc gia khác cũng đang xuống cấp.

Vì thế, "nền kinh tế hàng rong" trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc vài ngày qua. Nhiều người cho rằng Thủ tướng Lý quan tâm đến cuộc sống của những người dân bình thường, thay vì đề ra những mục tiêu khó thực hiện và tập trung gây dựng ảnh hưởng ở nước ngoài.

Đến nay, nhiều thành phố đã tích cực đưa ra chính sách hỗ trợ bán hàng rong. Một số thậm chí đặt chỉ tiêu về số quầy hàng rong mở mới. Một nhà kinh tế học ước tính 50 triệu việc làm có thể được tạo ra nếu chính phủ tạo ra nhiều không gian hơn cho người bán hàng rong và nông dân bán sản phẩm của mình.  

Giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa ra nhiều ví dụ về sự thành công của những người bán rong. Đồng sáng lập Alibaba Jack Ma từng bán dạo hàng thủ công trên phố để trả tiền thuê nhà cho công ty đầu tiên.

Cả Alibaba và JD.com đều đã đưa ra các gói vay và chính sách hỗ trợ người bán rong. Cổ phiếu của các công ty liên quan, như trung tâm mua sắm, hãng sản xuất ô che quầy hàng hay hãng xe hơi sản xuất xe bán tải, cũng tăng vọt.

Người bán trang sức giả, quần áo rẻ tiền và thức ăn nhẹ thường bị nhìn bằng ánh mắt ái ngại ở Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)

Dù vậy, nhiều người Trung Quốc cũng thừa nhận bán hàng rong để kiếm sống không phải việc dễ dàng. Chỉ những người ít kỹ năng hoặc thiếu cách kiếm tiền mới cân nhắc việc này. Kể cả những người có học thức và nghiêm túc với lựa chọn này, như Xie, cũng chỉ coi đây là giải pháp tạm thời.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tạo thêm 9 triệu việc làm năm nay, giảm so với 11 triệu năm ngoái. Chừng đó là không đủ cho 8,7 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ tốt nghiệp năm nay và rất nhiều người khác đã mất việc trong đại dịch. Đó là còn chưa kể đến hàng trăm triệu lao động thu nhập thấp khác vẫn đang nỗ lực kiếm sống, dù Trung Quốc ngày một giàu lên.

Mạng xã hội Trung Quốc thì đang lan truyền một câu nói về sự bấp bênh khi bán hàng rong. Đó là: "Khi họ cần bạn, bạn là một doanh nhân khởi nghiệp. Còn khi họ không cần, bạn sẽ là sự phản cảm với bộ mặt thành phố".

Nguồn: VnExpress

Tin mới