Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nên học ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng ở trường đại học nào?

(VTC News) -

Ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng không phải là ngành học quá mới nhưng vẫn có không ít thí sinh đang có nhiều vấn đề băn khoăn đối với ngành học này.

Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi diện mạo cuộc sống con người cũng như nền kinh tế đất nước. Hiện ngành học này thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh với mức điểm chuẩn trúng tuyển khá cao.

Ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng là gì? (Ảnh minh họa)

Vậy ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng là gì?

Ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng là ngành đào tạo chuyên sâu về công nghệ sản xuất, ứng dụng và kiểm soát chất lượng các loại vật liệu xây dựng; nghiên cứu phát triển các vật liệu mới, vật liệu có tính năng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng trong kiến trúc và xây dựng, hướng tới phát triển bền vững.

Sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và cơ sở khoa học để hiểu hơn về nền tảng chung của các nhóm vật liệu chính như: Kim loại, vật liệu Silicat, vật liệu Polyme, vật liệu Năng lượng và các vật liệu tiên tiến như vật liệu Bán dẫn, vật liệu Siêu dẫn, vật liệu Y sinh. Từ đó có thể nắm bắt được mối quan hệ giữa cấu trúc và tính chất của vật liệu.

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị thêm những kỹ năng mềm như: Kỹ năng về giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý điều hành và kỹ năng về nghiên cứu, đánh giá các vật liệu chuyên ngành; giúp sinh viên ra trường thích nghi nhanh với môi trường làm việc thực tế.

Hiện tại, các trường đang xét tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng theo các tổ hợp môn:

  • A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
  • A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
  • B00 (Toán, Hóa học, Sinh học)
  • D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh)
  • D09 (Toán, Lịch sử, tiếng Anh)
  • D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh)

Một số trường đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng?

Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng theo 4 phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; thi tuyển kết hợp với xét tuyển; xét tuyển bằng kết quả học tập; xét tuyển thẳng.

Với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 ngành này của trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 21,75 điểm, với 4 tổ hợp xét tuyển A00; A01; D01; D07. Riêng phương thức xét học bạ bậc THPT, mức điểm chuẩn là 19 điểm xét tuyển 4 tổ hợp môn tương tự.

Trường Đại học Xây dựng năm 2023, xét ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng là 17 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; B00; D07. Dự kiến học phí của trường là 11,7 triệu đồng/năm học.

Ngoài xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, bạn cũng có thể tham khảo thêm phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét chứng chỉ ngoại ngữ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét theo phương thức tuyển sinh riêng của trường, xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng là 17 điểm, với 2 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01. Mức học phí năm học 2023 - 2024 dự kiến 26,1 triệu đồng/năm học. Học phí sẽ tăng theo từng năm và tăng theo quy định của Nhà nước.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm học 2022 - 2023 đào tạo ngành Kỹ thuật Vật liệu với mức học phí bình quân là 30 triệu đồng/học kỳ/sinh viên. 

Năm 2023, với phương thức xét tuyển kết hợp, ngành này lấy mức điểm chuẩn là 19 điểm, với 3 tổ hợp môn thi A00; A01; D07. Trong đó, Điểm xét tuyển = [Điểm thi đánh giá năng lực quy đổi] x 75% + [Điểm thi tốt nghiệp THPT quy đổi] x 20% + [Học lực THPT] x 5% (công thức này chưa tính điểm cộng thêm).

Tuyết Anh (Tổng hợp)

Tin mới