Theo lịch, hàng triệu học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, ngày nào cũng phát hiện thêm hàng loạt ca mắc mới và nguồn lây đầu tiên vẫn chưa xác định được. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án, phân chia thí sinh và cán bộ coi thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác.
Theo đó, bên cạnh các em F0 (mắc COVID-19) được xét đặc cách công nhận tốt nghiệp, các thí sinh diện F1, F2 được bố trí thi tại điểm thi dự phòng.
Ảnh minh họa,
Theo tôi, phương án này phức tạp, “mua việc” thêm cho bộ phận tổ chức thi tuyển. Phải tổ chức bộ máy phục vụ những em thi riêng này, từ giám thị, giám sát đến thanh tra, bảo vệ… Do tiếp xúc với những người có nguy cơ mang COVID-19, những người này sau đó phải cách ly 14 ngày, ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình họ và cơ quan họ công tác, gây tốn kém rất nhiều cho Nhà nước.
Trong khi đó, ngay cả những thí sinh không nằm trong nhóm F0, F1, F2 cũng chưa chắc không mang mầm bệnh, bởi do chưa truy vết được ca bệnh đầu tiên, rất có thể trong cộng đồng đang có người nhiễm COVID-19 chưa được phát hiện và âm thầm truyền virus cho người khác. Khi tổ chức thi, cho dù thí sinh được bố trí ngồi cách xa nhau, rất khó ngăn các em túm tụm bàn tán, hỏi han bài vở trước và sau khi vào phòng thi.
Mặt khác, thí sinh ở những vùng đang có dịch gặp nhiều khó khăn trắc trở hơn, kết quả thi nhiều khả năng sẽ thấp hơn thí sinh nơi khác. Khi dùng điểm thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, các em sẽ thiệt thòi, sẽ cảm thấy không công bằng.
Bởi thế, tôi cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, hoặc ít nhất là bỏ ở những tỉnh đã phát hiện ca bệnh. Điều này không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho thí sinh, các cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi mà còn là cách tiết kiệm nhân tài vật lực, dồn lại cho công cuộc chống COVID-10 – nhiệm vụ cấp bách nhất, quan trọng nhất lúc này.
Ai cũng biết kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm tiêu tốn rất nhiều tiền của và phải huy động rất nhiều nhân lực. Trong khi đó, không chỉ các tính có bệnh nhân COVId-19, các tỉnh khác cũng đang đối mặt với nguy cơ có ca bệnh xâm nhập và đang huy động cả hệ thống chính trị để ngăn chặn điều đó. Không thể cùng lúc huy động sức người sức của cho 2 việc hệ trọng, tầm cỡ như vậy. Trong lúc này, phải xác định chống dịch là ưu tiên hàng đầu, còn người mới còn của.
Không cần quá lo rằng bỏ thi tốt nghiệp sẽ gây khó khăn lớn cho việc đánh giá kết quả học tập mấy năm THPT, giảm chất lượng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Bởi việc đánh giá qua vài bài thi chưa chắc đã chính xác hơn đánh giá cả quá trình học tập suốt 3 năm. Điểm số 3 năm học có thể coi là căn cứ đáng tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp.
(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm VTC News.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.