Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nên bỏ khẩu hiệu 'tiên học lễ, hậu học văn' ở trường tiểu học?

Chuyên gia giáo dục cho rằng việc treo khẩu hiệu còn bất cập, mỗi nơi làm một phách và chưa phù hợp.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, thời gian qua các nhà trường đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Các trường từ mầm non đến phổ thông, đại học đều đã xây dựng quy tắc ứng xử ở mức độ khác nhau, cũng như đã cố gắng để hoàn thành, xây dựng cảnh quan, khuôn viên nhà trường, đặc biệt là hệ thống khẩu hiệu.

Có những đáp ứng yêu cầu, thể hiện tôn chỉ mục đích của nhà trường, trách nhiệm của nhà trường… Tuy nhiên, nhìn tổng thể còn rất nhiều vấn đề bất cập, trong đó nổi bật lên là vấn đề về khẩu hiệu.

 Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" ở trường tiểu học

Bà Vũ Thị Thủy (Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trong những lần đi dự giờ các trường học, nhiều trường treo khẩu hiệu đẹp mắt và đáp ứng đúng yêu cầu, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Tuy nhiên, một số trường còn treo khẩu hiệu tràn lan, phản cảm.

Một đại diện đến từ Sở GD&ĐT Lào Cai cũng cho hay, mỗi năm ngành giáo dục ở đây có một khẩu hiệu. Năm học sau đó, khẩu hiệu này lại thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ của năm học đó.

Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai cũng thẳng thắn thừa nhận, cần thay đổi cách thức truyền thông để khẩu hiệu tác động mạnh mẽ hơn nữa tới phụ huynh học sinh.

Chẳng hạn, đưa khẩu hiệu vào thời khóa biểu khi phát cho học sinh mang về nhà, nên đưa lên các website hoặc đơn giản là tuyên truyền bằng các MV ca nhạc cũng cực kì kiệu quả.

Dẫn chứng một số khẩu hiệu cơ bản, hiện vẫn đang được các trường học sử dụng, một đại diện ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, “Tiên học lễ, hậu học văn” là câu khẩu hiệu có từ thời xưa.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường treo câu này - nhất là trường tiểu học, mà tôi tin chắc rằng, các em học sinh lớp 1, lớp hai chắc chắn không hiểu “tiên” là gì, “hậu” là gì.

“Khẩu hiệu mà còn phải giải thích thì chưa phù hợp nên phải xem xét lại”, đại diện này khẳng định. Cũng theo một số đại biểu, không chỉ trong trường học, nhiều thư viện treo khẩu hiệu rất cao siêu, chưa phù hợp với độ tuổi học sinh, nhất là ở các trường tiểu học.

Đồng tình với điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, một số trường tiểu học treo khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” thì học sinh có hiểu là gì không? Khẩu hiệu phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng.

Với khẩu hiệu này, có thể cấp THPT các em hiểu được đầu tiên phải là lễ nghĩa, đạo đức, sau đó mới đến là văn hóa. Nhưng đối với các em ở tiểu học khó mà hiểu được. Cho nên khẩu hiệu phải phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học.

“Tôi từng đến một trường THPT chuyên nhưng chỉ thấy có rất ít khẩu hiệu. Trong số rất ít khẩu hiệu ấy lại treo cả khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, tôi thấy đây là khẩu hiệu dành cho tiểu học chứ sao lại THPT”, Thứ trưởng nói.

Video: Trường tiểu học ở TP.HCM phải trả 1,7 tỷ đồng cho phụ huynh

Tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trường học” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, các đại biểu đến từ các sở, trường đã tập trung thảo luận, bàn việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Trong đó, thông qua các khẩu hiệu, quy định để giúp học sinh có ứng xử có văn hóa tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện.

Giới thiệu cách làm của trường mình,TS Lâm Thanh Minh, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường đã chọn phương thức truyền thông rất thực tế qua việc sản xuất một MV ca nhạc để tuyên truyền nếp sống văn minh, văn hóa trong trường học, ban hành cẩm nang sinh viên và xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường.

Nhờ đó, học sinh ý thức được việc đeo thẻ, xếp hàng chờ vào thang máy, bảo vệ cây xanh, giữ nếp sống thanh lịch khi nói năng, ăn uống, tắt vòi nước khi không còn sử dụng...

PGS.TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, khẩu hiệu trong trường học rất cần thiết và cấp bách. Hiện, có nhiều trường sử dụng nhiều kiểu khác nhau, rất phong phú, vừa thẩm mỹ, vừa tác động dễ dàng đến nhận thức.

Tuy nhiên, cần chọn khẩu hiệu cho phù hợp lứa tuổi mầm non, phổ thông và đại học.

Tuy nhiên, để khẩu hiệu bớt tràn lan và phản cảm như hiện nay, bà Vũ Thị Thủy đề xuất ý kiến cần có kiểm tra ngược. Nghĩa là Bộ kiểm tra Sở GD&ĐT, Sở kiểm tra Phòng Giáo dục và Phòng kiểm tra đến các trường.

“Việc kiểm tra từng cấp sẽ giám sát được tình hình treo khẩu hiệu tràn lan, phản cảm hiện nay”, bà Thủy cho hay.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho hay, không nên soạn một bộ quy tắc ứng xử cho các trường.

Bộ GD&ĐT nên đưa ra chủ trương, định hướng để các trường thực hiện sao cho phù hợp từng vùng miền. Khẩu hiệu cũng phải dễ hiểu, không cần sính ngoại.

Mặc dù vậy, theo một số đại biểu, để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học không hề dễ dàng. Đại diện Phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay, đơn vị này đã tiến hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử từ năm 2014.

Đơn vị này đã mời nhiều giáo sư, nhà giáo có uy tín tham gia đóng ý kiến và xây dựng.

“Hai năm rồi, trải qua mười mấy cuộc họp nhưng chúng tôi vẫn chưa ra bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Riêng về khẩu hiệu trường học, chúng tôi chỉ rút lại 3 nội dung nhưng hai năm qua vẫn chưa xây dựng xong.

Thậm chí, khi có một vụ bạo hành học đường, quy trình xử lý như thế nào? Riêng việc này cũng phải tốn đến 6-7 hội thảo. Đó là thí dụ rất nhỏ trong việc khó khăn khi xây dựng bộ chuẩn quy tắc ứng xử trong trường học”, đại diện này khẳng định.

Nguồn: Dân trí

Tin mới