Theo báo cáo cải tổ liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa được tiết lộ, mặc dù Nga sẽ vẫn được xem đối thủ chính của NATO trong thập kỷ này, song liên minh này phải suy nghĩ kỹ hơn về cách đối phó với Trung Quốc và sự trỗi dậy quân sự của nước này.
Báo cáo có tựa đề “NATO 2030”, được chuẩn bị bởi một nhóm được gọi là nhà hoạch định chính sách của NATO. Nội dung báo cáo gồm 138 đề xuất, được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về mục đích và tầm ảnh hưởng của NATO sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi liên minh này đã “chết não” vào năm ngoái.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc được xem là thách thức đối với NATO. (Ảnh: newsreap.com)
“Trung Quốc không còn là đối tác thương mại mà phương Tây mong đợi. Nước này đang trỗi dậy trong thế kỷ của chúng ta và NATO phải thích ứng”, Reuters dẫn lời nhà ngoại giao NATO, tiết lộ nội dung báo cáo, chỉ ra hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Bắc Cực và châu Phi cũng như các khoản đầu tư lớn của nước này vào cơ sở hạ tầng châu Âu.
Cũng theo nhà ngoại giao này, các đề xuất cũng nhấn mạnh đến phản ứng của NATO, tập trung vào duy trì lợi thế công nghệ so với Trung Quốc, bảo vệ mạng máy tính và cơ sở hạ tầng của liên minh này.
Bên cạnh đó, NATO cũng có thể tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia không thuộc NATO như Australia và tập trung nhiều hơn vào khả năng răn đe trong không gian - nơi Trung Quốc đang chú trọng đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hiện diện.
Bình luận trước khi báo cáo được công bố vào hôm 2/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra "những thách thức quan trọng đối với an ninh của chúng tôi".
“Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào các loại vũ khí mới. Bắc Kinh đang đến gần chúng ta hơn, từ Bắc Cực đến châu Phi. Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của chúng tôi... và cố gắng đe dọa các nước khác”, ông Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo, kêu gọi các đồng minh cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Trong các khuyến nghị khác, báo cáo đề xuất việc các bộ trưởng ngoại giao NATO cần gặp gỡ thường xuyên hơn, đồng thời kêu gọi tăng cường vai trò của Tổng thư ký NATO như nhà hòa giải quốc tế.
Báo cáo “NATO 2030” sẽ được các ngoại trưởng NATO thảo luận vào hôm nay, trước khi được trình lên các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các nước thành viên vào năm tới để thông qua.