Trả lời phỏng vấn Washington Post, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho hay, 4 nhóm chiến đấu mới của NATO đã được thành lập tại Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia để đối phó với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Các nhóm này sẽ bổ sung cho các nhóm chiến đấu hiện có của NATO ở Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan - tất cả đều có biên giới với Nga.
Theo người phát ngôn Oana Lungescu, hiện tại, với 8 nhóm nhóm chiến đầu này, NATO có 10.000 quân trải rộng ở Đông Âu. Vào năm 2021, NATO chỉ có 5.000 quân đồn trú ở khu vực này.
Binh sỹ Đức tham gia sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (Ảnh: AP)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg muốn 10.000 quân triển khai tiền phương này được hỗ trợ bởi 300.000 quân dự bị luôn trong tư thế sẵn sàng. Ông Stoltenberg đã công bố kế hoạch này một năm trước, giải thích rằng 100.000 quân sẽ được triển khai trong vòng 10 ngày một khi nổ ra xung đột NATO - Nga, số còn lại sẵn sàng ra chiến trường một tháng sau đó.
Tuy nhiên, các quan chức Đông Âu và Baltic vẫn không biết những đội quân này sẽ đến từ đâu và liệu họ có thể xuất hiện kịp thời để đẩy lùi một cuộc tấn công giả định từ Nga hay không. Kể từ thông báo của ông Stoltenberg, NATO không cung cấp thêm thông tin chi tiết về ý tưởng này, kể cả việc ai sẽ tài trợ cho lực lượng này.
Trong khi các nhóm chiến đấu của NATO đã được triển khai để có sự hiện diện thường trực ở Đông Âu, một số thành viên NATO nghi ngờ cam kết của các đồng minh của họ đối với sứ mệnh. Đức dẫn đầu nhóm chiến đấu ở Litva, nhưng bác lời kêu gọi từ Vilnius về việc điều động lữ đoàn hiện diện thường trực ở đây. Thay vào đó, Berlin muốn giữ lại 6.000 quân và giữ họ ở lại Đức và có thể được triển khai “nếu cần”.
NATO mô tả Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”. Moskva lập luận rằng việc khối này tiếp tục mở rộng sang phía đông sau Chiến tranh Lạnh là những mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Nga.