CBS News dẫn lại thông báo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đang chuẩn bị đâm tàu vũ trụ vào một tiểu hành tinh trong nhiệm vụ đầu tiên trên thế giới nhằm thử nghiệm công nghệ bảo vệ Trái Đất trước nguy cơ từ tiểu hành tinh hoặc sao chổi. NASA cũng mời thế giới theo dõi sự kiện có một không hai này lúc 6h14 ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam).
Thử nghiệm đâm tàu vũ trụ để chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA sẽ đánh giá khả năng bảo vệ Trái đất chống lại các tiểu hành tinh và sao chổi trong tương lai.
Video: Mô phỏng tàu vũ trụ NASA đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos
Nhiệm vụ DART sẽ chứng minh tàu vũ trụ có thể tự động tìm đường để va chạm với tiểu hành tinh mục tiêu tương đối nhỏ và đây là kỹ thuật khả thi để chuyển hướng một thiên thể có khả năng va chạm với Trái Đất. Tàu vũ trụ DART dự kiến sẽ đến gần Dimorphos vào ngày 26/9.
"DART sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn nếu phát hiện một tiểu hành tinh nguy cơ đâm vào Trái Đất", NASA cho biết.
Mục tiêu của DART là hệ tiểu hành tinh nhị phân gần Trái Đất Didymos. Hệ này bao gồm tiểu hành tinh Didymos đường kính 780 m, và thiên thể nhỏ hơn là Dimorphos đường kính 162 m. DART sẽ đâm vào Dimorphos.
Kích thức của hệ tiểu hành tinh nhị phân Didymos so với một số kiến trúc nổi tiếng trên Trái Đất. (Ảnh: NASA)
Các chuyên gia của NASA cũng nhấn mạnh rằng sứ mệnh của DART không hoành tráng như các bộ phim khoa học viễn tưởng về ngày tận thế, ví dụ như "Armageddon". Mục tiêu của nó là làm chệch hướng của tiểu hành tinh hơn là phá hủy hoàn toàn nó.
Nhiệm vụ không hoàn toàn giống với một bộ phim thảm họa khoa học viễn tưởng như "Armageddon", vì nó nhằm mục đích làm chệch hướng tiểu hành tinh hơn là phá hủy nó hoàn toàn.
Những ai quan tâm tới sự kiện này có thể theo dõi phát sóng trực tiếp vụ va chạm của tàu vũ trụ DART trên kênh NASA TV và trang web của NASA. Công chúng cũng có thể xem sự kiện trên các tài khoản mạng xã hội của NASA, bao gồm Facebook, Twitter, và YouTube.
Trước vụ va chạm hôm 27/9, NASA sẽ tổ chức một buổi họp báo ngắn từ Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Johns Hopkins (APL) ở Laurel, Maryland, nơi chế tạo và quản lý tàu vũ trụ DART.
Các nhà thiên văn học ước tính hiện có khoảng 25.000 tiểu hành tinh gần Trái đất kích thước từ 150 m trở lên. Sứ mệnh DART hy vọng sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để hỗ trợ các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các dự báo cũng như cách ứng phó với mối đe dọa từ một tiểu hành tinh trong tương lai.