Không ít người dân nhiều ngày qua đã than phiền chuyện họ không thể tìm được người sửa điều hoà và khi tìm được rồi thì họ phải “cắn răng” chấp nhận một mức giá “trên trời”.
“Kêu đắt thì tìm chỗ khác”
Thời tiết nắng nóng, lại có con nhỏ, nên hơn 1 tháng nay, gia đình anh Dũng, khu tập thể B2 Ngọc Hà, thường xuyên phải bật điều hòa 20h/ngày. Phải làm việc liên tục trong nhiều giờ đã khiến cho máy điều hòa nhà anh xuật hiện hiện tượng bị chảy nước, mỗi khi mỗi khi bật thì nước nhỏ tong tong, thấm ướt cả rèm cửa sổ, thậm chí mỗi ngày có thể hứng được nguyên 1 chậu nước.
Giá sửa điều hòa tăng cao khiến nhiều khách hàng phải "cắn răng" chấp nhận
Tìm trên mạng, anh Dũng thấy khá nhiều các trung tâm sửa chữa khác nhau nhưng khi gọi đến các trung tâm này đều bị từ chối vì “hết nhân viên”. Cuối cùng anh Dũng đành chấp nhận xếp chỗ chờ 2 ngày sau để công ty bố trí người phục vụ.
Sự chờ đợi không khiến anh Dũng bức xúc bằng việc bị các nhân viên này ép giá quá đáng. Không phải thay thế phụ tùng, chỉ mất công tháo lắp, chỉnh sửa trong vòng hơn 30 phút, nhưng số tiền anh Dũng phải trả lên đến 300 nghìn đồng.
“Tôi thấy đắt quá, trước khi sửa tôi hỏi giá thì anh thợ sửa nói phải sửa xong mới biết. Nghĩ tìm được thợ sửa cũng khó, hơn nữa tôi thấy trên mạng cũng có đề giá là khoảng 150 nghìn một lần sửa rò nước, nên cũng yên tâm. Ai ngờ lại bị chặt chém nhau thế”, anh Dũng bức xúc nói.
Cũng giống như anh Dũng, chị Thoa (Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội) phải nhờ người quen mới tìm được thợ sửa điều hòa của một cơ sở trên đường Láng. Vừa bốc máy gọi điện, anh nhân viên của công ty liền trả lời gọn lỏn “nạp ga 150 nghìn đồng một lần, có sửa không?”.
Thấy giá cao quá, trong khi đó giá ghi của công ty là 60 nghìn đồng/lần nên chị Thoa thắc mắc, anh nhân viên liền trả lời “Khách quen nên mới nhận sửa và có giá đấy, chị thấy đắt thì tìm chỗ khác”.
Mặc dù bị “chặt chém” và quá đáng và rất khó chịu với thái độ của nhân viên công ty, nhưng chị Thoa cũng đành ngậm ngùi chấp nhận vì chị đã gọi điện đến vài nơi nhưng đều không có người sửa.
“Trời nóng thế này mà không có điều hòa thì mẹ và cháu nhỏ nhà tôi cũng không chịu được. Thôi đành cắn răng mà sửa vậy”, chị Thoa nói.
Tìm hiểu qua một số công ty, cửa hàng kinh doanh, công việc sửa máy điều hoà đã bị… dồn xuống cuối danh sách đầu việc, nhiều cửa hàng không còn thời gian cho việc sửa chữa.
Mặt khác, do thời tiết nắng nóng, nhiều máy điều hòa nhiệt độ phải làm việc thường xuyên, quá tải nên rất dễ bị hư hỏng, khiến cho dịch vụ sửa điều hòa “cháy” hàng, dẫn đến giá sửa cũng hết sức “trên trời”.
Anh Trần Ngọc Giang, chủ cửa hàng sửa chữa điều hòa số 32 Cầu Giấy cho biết, tại công ty anh, mỗi nhân viên đi lắp điều hoà về sẽ nộp lại cho công ty 150.000 đồng/máy tiền công lắp và 100.000 đồng/máy tiền công sửa. Còn các nhân viên sẽ tự định giá công lắp và sửa với khách hàng cho phù hợp.
Được biết, cửa hàng này mỗi ngày nhận được từ 50 thậm chí tới 100 cuộc gọi của khách hàng nhờ lắp đặt và sửa chữa cho chiếc máy hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng này.
Tranh thủ kiếm cơm nhờ nắng nóng
Tại một số cửa hàng, trung tâm sửa chữa điều hòa, máy lạnh, đang xảy ra tình trạng thiếu thợ lành nghề. Anh Trần Bình, chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh số 21 Cát Linh cho biết, mặc dù đã tăng 20% lương cho thợ giỏi vào dịp cao điểm. Nhưng hiện một số người cứng tay của cửa hàng đều thích ra làm riêng hơn, thậm chí những thanh niên học việc đã biết được chút ít nghề cũng muốn ra “ở riêng”.
Nhiều trung tâm sửa máy giặt, điện lạnh hết thợ sửa điều hòa.
Hiện nay, tình trạng quá tải của các trung tâm, đã khiến nhiều khách hàng thích tìm đến các thợ ngoài hơn. Chị Thủy, một khách hàng cho biết: “Bây giờ thuê thợ ở đâu cũng khó và đắt. Thuê thợ ngoài tuy giá đắt hơn nhưng thường là thợ giỏi và bớt kiêu hơn các trung tâm”.
Làm việc tại các công ty phải tuân theo quy định, sự sắp xếp của công ty, nhất là phải trả một khoản tiền nhất định cho chủ cửa hàng. Vì vậy, nhiều người chỉ làm ở trung tâm điện lạnh để học việc hoặc vào mùa lạnh muốn có chỗ để ăn lương cứng cho yên tâm. Còn vào mùa nóng thì chạy ra ngoài làm riêng, vừa thoải mái, thu nhập lại cao.
“Cả năm, nghề sửa điều hòa, máy lạnh cũng chỉ làm ăn được một, hai tháng. Vì vậy, phải tranh thủ kiếm cơm cho các tháng khác trong năm, nên giá có tăng thì cũng phù hợp với cung – cầu thị trường thôi”, một thợ sửa điều hòa nói.
Theo Bee.net.vn