Nội dung này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra ngày 29/12.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện "đánh đấm" trên báo chí.
Cùng với việc quản lý tốt báo chí, trước sức ép của mạng xã hội, ông Trần Lưu Quang cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để "anh em có thể sống và trụ lại với nghề".
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.
Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu: "Cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí như VOV, VTV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành phần nhiệm vụ chính trị được giao".
Với lĩnh vực chuyển đổi số, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh đây là lĩnh giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045, theo ông Trần Lưu Quang, phải đi tắt, đón đầu và chỉ có đi tắt, đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số.
"Thế giới chuyển đổi nhanh lắm. Cho nên trách nhiệm của các đồng chí là để khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới không bị xa hơn nữa", Phó Thủ tướng nói và nhìn nhận, đây là ngành rất chuyên sâu, do đó, chúng ta phải học tập, thường xuyên cập nhật, nếu để chậm một bước là thế giới sẽ đi trước mình một khoảng rất xa.
Về vấn đề liên quan đến nguồn ngân sách đầu tư cho công cuộc chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho biết, đây là nhiệm vụ cao cả, mong muốn thì lớn lao nhưng tiền lại rất ít, trong khi đó, ngân sách Nhà nước được quản lý cực kỳ chặt chẽ.
"Có những câu chuyện liên quan đến chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06 khi có tiền không xài được bởi vì muốn mua một cái máy tính phải làm theo quy trình thủ tục của đầu tư công", Phó Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cố gắng gỡ vướng mắc để trả lại câu chuyện mua sắm thuộc về nguồn vốn sự nghiệp.
Đề cập việc xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải đáp ứng yêu cầu kịp thời, chất lượng văn bản phải chuẩn mực để hạn chế tối đa sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý mỗi cán bộ làm công tác thông tin truyền thông phải là những người tử tế theo nghĩa rộng, trước hết là tử tế với công việc, hay nói cách khác là sự nghiêm túc, trách nhiệm, tận tâm cố gắng, sự ngay ngắn; tử tế với các đối tượng thuộc quyền quản lý của mình, có sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ với các Bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải tử tế với đồng chí, anh em, với cấp dưới, để mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, và kể cả chia sẻ lợi ích.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị mỗi cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông phải "tử tế với pháp luật", hay nói cách khác là phải thượng tôn pháp luật.