Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nằm viện 11 năm được bảo hiểm chi trả hơn 38 tỷ đồng: BHXH TP.HCM nói gì?

(VTC News) -

Anh Phan Hữu Nghiêm (SN 1984) nằm viện 11 năm chữa bệnh máu khó đông, được BHYT chi trả hơn 38 tỷ đồng tiền viện phí.

Anh Phan Hữu Nghiêm (sinh năm 1984, quê Vĩnh Long) mắc bệnh Hemophilia A thể nặng (bệnh máu khó đông), điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy kéo dài 11 năm được chi trả BHYT 38,3 tỷ đồng.

Trả lời VTC News về trường hợp của anh Nghiêm, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, chi phí điều trị của anh Nghiêm tốn kém là do bệnh nhân này sử dụng yếu tố VIII làm bằng huyết tương của người, 1 đơn vị có giá 1,7 triệu đồng.

“Trung bình một ngày điều trị của anh Nghiêm là 5 triệu đồng cho yếu tố VIII. Trung bình một năm chi phí điều trị hơn 3,4 tỷ đồng. Năm vừa rồi là hết 9 tỷ đồng. Bệnh nhân cũng không mong muốn là phải dùng số tiền BHYT lớn như vậy mới điều trị được, bởi có ai mong mình bị nặng mà trả được nhiều tiền đâu”, bà Hằng nói.

Bệnh nhân Nghiêm có quá trình điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy kéo dài 11 năm. 

Theo Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, thủ tục và phương án chi trả BHYT cho bệnh nhân Nghiêm cũng giống như bệnh nhân bình thường (Bệnh nhân phải trình thẻ BHYT có giá trị, giấy tờ tùy thân có ảnh...).

Kết thúc một đợt điều trị, bệnh viện thống kê chi phí gửi cho cơ quan bảo hiểm. Sau đó, BHXH thẩm định và trả tiền cho bệnh viện chứ không thanh toán cụ thể cho bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân Nghiêm có rất nhiều đợt điều trị, thống kê lại từ năm 2010 đến nay nên chi phí hơn 40 tỷ đồng.

“Bệnh nhân Nghiêm thuộc diện hộ nghèo, lúc đầu tham gia BHYT hộ gia đình, nhưng sau đó bệnh nặng nằm viện, được cấp thẻ BHYT theo diện bảo trợ xã hội... 11 năm nằm viện với chi phí cao nếu không có BHYT thì anh Nghiêm có lẽ đã chết rồi.

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng gần 20 bệnh nhân có bệnh máu khó đông, ngoài ra còn rất nhiều bệnh nhân ung thư, suy thận khác. Có thể nói BHYT là cứu cánh cho những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo rất nhiều. Có những trường hợp bệnh hiểm nghèo, bán nhà bán cửa cũng không đủ chi phí nằm viện nếu như không có BHYT”, bà Hằng nói. 

Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cũng cho hay, TP.HCM có khoảng 90% người tham gia BHYT, những người chưa tham gia là lao động tự do, tiểu thương, buôn bán nhỏ lẻ,... BHYT là chính sách an sinh xã hội nhân văn cho người dân. Quỹ bảo hiểm này không phải là quỹ thương mại, không phải kết dư mua sắm, đây là chính sách của Nhà nước với mục tiêu toàn dân đều được chăm sóc sức khỏe.

Anh Nghiêm thời điểm xuất viện.

11 năm với 26 lần phẫu thuật

Biểu hiện của bệnh Hemophilia A là chảy máu kéo dài khó cầm gây ra tụ máu.

Anh Phan Hữu Nghiêm trong một lần đi tắm sông thì bị thương, chảy máu. Máu chảy tụ trong vết thương mãi không tan tạo thành khối u ngày càng to.

Năm 2010, anh Nghiêm đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kích thước khối u khi đó đã là 20cm x 12cm x 12cm. Do anh không cầm được máu nên không thể mổ. Anh được chữa trị bằng xạ trị nhằm giảm bớt kích thước khối u nhưng cũng không có kết quả khả quan. 

Đến 2014, khối u vỡ, bác sĩ lấy ra khối u nặng gần 3kg. Lúc này vết thương cũng không lành, hoại tử, lở loét phải điều trị kéo dài bằng phương pháp truyền yếu tố VIII và hút dịch bằng máy áp lực âm (VAC).

11 năm nằm viện, bệnh nhân trải qua 26 lần phẫu thuật để loại hoại tử, hút dịch, tái tạo da... với sự kết hợp của đa chuyên khoa.

Khi xuất viện, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân Nghiêm hơn 40 tỷ đồng nhưng được BHYT chi trả cho điều trị lên tới 38,3 tỷ đồng. Đây là mức chi trả BHYT lớn nhất từ trước đến nay.

MAI THÚY

Tin mới