Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Năm Tý kể tên một số vị vua chúa cầm tinh con chuột

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có rất nhiều các bậc vua chúa cầm tinh con chuột, trong đó nhiều người là những bậc minh quân, yêu nước.

Trần Hoảng (Canh Tý, 1240- 1290): Ông là vị vua thứ hai nhà Trần, miếu hiệu Thánh Tông, con trưởng Thái Tông. Sinh ngày 13/10/1240, tại làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định.

Ông ở ngôi 21 năm, truyền ngôi cho con là Nhân Tông (Trần Khâm) rồi làm Thái thượng hoàng. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần II và III (1258- 1288), ông cùng vua con lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi. Sau đó, ông lui về Bắc cung tu Phật, chuyên tâm soạn kinh sách Phật.

Tượng thờ vua Trần Thánh Tông. (Ảnh: Wikipedia)

Năm Canh Dần 1290 ông mất, hưởng dương 50 tuổi. Ông để lại tác phẩm: Di hậu lục, Cơ cừu lục; Thiền tông liễu ngô ca và 6 bài thơ chép ở Đại Việt sử ký toàn thư và Việt âm thi tập.

Trần Thuyên (Bính Tý, 1276-1320): Ông là vua thứ tư nhà Trần, miếu hiệu Anh Tông, con trưởng vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm). Ông sinh ngày 25/20/1276, quê làng Tức Mặc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Ông lên ngôi ngày 16/4/1293 lúc 17 tuổi. Khi làm vua ông đặc biệt ưu đãi các cựu thần có công trong cuộc đánh đuổi quân Nguyên Mông và trân trọng sử dụng các bậc nhân tài. Việc chính trị, văn hóa, quân sự đời ông đều mở mang, tiến triển tốt đẹp.

Vua Trần Anh Tông.

Ông ở ngôi 21 năm (1293-1314) theo gương các vua trước mà truyền ngôi cho con, rồi về chăm việc tu Phật, sáng tác thơ văn.

Ngày 21/4/1320, ông mất, hưởng dương 41 tuổi. Ông soạn tập Thủy vân tùy bút ngoại tập và bài Thạch dược châm, Pháp sự tân văn, Hiệu đính công văn cách thức, nhưng ông đốt bỏ không lưu truyền. Nay chỉ còn 12 bài thơ ghi chép trong Việt âm thi tập.

Trần Mạnh (Canh Tý, 1300-1357): Ông là vua thứ 5 nhà Trần, miếu hiệu Minh Tông, con vua Trần Anh Tông. Sinh ngày 4/9/1300, quê làng Tức Mặc (phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định).

Năm Giáp Dần 1314, ông lên ngôi. Triều đại ông cũng tốt đẹp về văn hóa, chính trị, tôn giáo. Về nông nghiệp cũng phát triển thuận lợi, qua chính sách kêu gọi các vương hầu trả lại ruộng tư hữu đã lấn chiếm, giúp nông dân có ruộng cày.

Ông ở ngôi 15 năm (1314-1329) sau nhường ngôi cho con, làm Thái Thượng hoàng như các vua trước từng làm.

Ngày 10/3/1357, ông mất, hưởng dương 57 tuổi. Ông soạn tập thơ Minh Tông thi tập nay đã mất, chỉ còn sót 25 bài thơ ghi chép ở Toàn Việt thi lục.

Lê Duy Tân (Mậu Tý, 1588 - 1619): Ông là vua nhà Hậu Lê, miếu hiệu Kính tông Huệ hoàng đế, con thứ của Lê Thế Tông.

Khi vua cha mất, đáng lý anh ông là thái tử Duy Trì phải được lên nối ngôi, nhưng Bình An vương Trịnh Tùng lại phế Duy Trì đi, đưa ông lên ngôi vào ngày 27/8 năm Kỷ Hợi 1599, lúc ông mới 11 tuổi.

Ông là vua đầu tiên chứng kiến cuộc tranh hùng giữa hai họ Trịnh - Nguyễn, và bị áp lực của Bình An vương Trịnh Tùng rất nặng.

Năm Kỷ Tỵ 1619, ngày 12/5, ông bị Trịnh Tùng ra lệnh xử giảo (thắt cổ chết), hưởng dương 31 tuổi, táng tại Bố Vệ lăng, làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ông ở ngôi 20 được năm, đổi hiệu hai lần: Năm Thuận Đức: Canh Tý 1600 đến tháng 11 (1 năm) và Hoàng Định (20 năm) tháng 11 Canh Tý 1600 - tháng 5 Kỷ Tỵ 1619.

Nguyễn Phúc Trăn (Mậu Tý 1648-1691): Là vị chúa thứ 5 thời Nguyễn sáng nghiệp, con thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Tân.

Năm Đinh Mão 1687, Nguyễn Phúc Tân mất, ông kế vị. Sử chép ghi ông là người khoan hòa, yêu kẻ sĩ, khi lên ngôi thì nhẹ hình phạt và xâu thế, nên nhân dân đương thời gọi ông là Nghĩa vương hay chúa Ngãi.

Tháng 7 năm Đinh Mão 1687, ông cho dời phủ chúa sang làng Phú Xuân (Huế) lấy hòn núi phía trước làm án (tức núi Ngự Bình) đắp trường thành, xây cung điện thành một nơi danh thắng, còn phủ cũ (ở Kim Long) thì dùng làm miếu thờ Thái Tông và các tiên chúa.

Năm Mậu Thìn 1688, quân Chân Lạp sang cướp phá miền Nam và không triều cống, ông cho quân sĩ sang đánh, vua Chân Lạp thua phải triều cống như xưa.

Năm Kỷ Tỵ 1689, ông cho mở các khoa thi Chính đồ, Hoa văn nhằm kén chọn nhân tài cho đất nước. Năm Tân Mùi 1691, ông bệnh nặng qua đời, làm chúa 4 năm, hưởng dương 43 tuổi.

Trịnh Doanh (Canh Tý, 1720-1767): Ông là vị chúa thứ bảy đời vua Lê chúa Trịnh, tước Minh Đô vương, con thứ ba của chúa Trịnh Cương, em ruột chúa Trịnh Giang, quê làng Sóc Sơn (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Ông có tài văn võ, có tiếng hay thơ. Từ 1736, ông được cử giữ chức Thái úy, tiết chế quân thủy bộ các xứ, tước An Quốc Công lúc mới 16 tuổi. Đến 1740, được thay anh nối nghiệp chúa. Thời ông cầm quyền, trong nước nhiều biến loạn, ông phải nhọc lòng xếp đặt lại mọi việc, hạn chế bớt việc xây dựng chùa chiền, trả ruộng đất lại cho nông dân, ưu đãi các tướng sĩ để đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong xứ.

Tranh vẽ chúa Trịnh Doanh.

Năm Đinh Hợi 1767, ông mất, hưởng dương 47 tuổi. Ngoài một nhà chúa, ông còn là một nhà thơ, ông soạn tác phẩm Càn nguyên ngự chế thi tập, Minh Đô vương thi tập do con trai là chúa Trịnh Sâm và Thị thư viện Hàn lâm là Phan Lê Phiên biên tập lại và đề tựa. Sách gồm 263 bài thơ, trong đó có 241 bài thơ Nôm, 22 bài thơ chữ Hán.

Nguyễn Phúc Vĩnh San (Canh Tý, 1900-1945): Ông là một nhà vua yêu nước, sinh ngày 19/9/1900, con thứ 8 của nhà vua yêu nước Thành Thái.

Khi lên ngôi, ông lấy hiệu năm là Duy Tân nên cũng gọi là vua Duy Tân. Lúc ông làm vua, phụ trách đại thần là Trương Như Cương (tay chân của Pháp) thường ngầm theo dõi ông. Khi vua cha bị thực dân Pháp đưa đi đày, ông được lên ngôi lúc còn bé.

Vua Duy Tân. 

Do gần gũi với các chí sĩ yêu nước, ông dần khẳng định thái độ bất hợp tác với quân cướp nước, bí mật liên lạc với Trần Cao Vân, Thái Phiên. Ông tán thành cuộc khởi nghĩa năm 1916. việc đại nghĩa thất bại, ông bị bắt ngày 6/5/1916, bị đày sang đảo Reuion (Đông Nam Phi Châu).

Trong thế chiến thứ 2 (1936-1945), ông tham gia quân đội đồng minh chống phát xít Đức. Cuối năm 1945, ông từ trần vì tai nạn máy bay ngày 26/11/1945 tại Bắc Phi, hưởng dương 45 tuổi. Mãi đến ngày 2/4/1987, hài cốt vua Duy Tân mới được đưa từ đảo Reuion về Việt Nam rồi đưa về Huế cải táng bên cạnh vua Thành Thái.

NGUYỄN VƯƠNG (Tổng hợp)

Tin mới