Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nam thanh niên bị đâm thấu tim, sốc mất máu nặng được cứu

Nam thanh niên 17 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê, đồng tử 2 bên giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, ngực trái bị dao đâm.

Nạn nhân là P.C.N. (17 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ). Trong lúc xô xát, mâu thuẫn, N. bị dao đâm vào ngực, máu chảy nhiều.

Nam thanh niên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu, trong tình trạng có một vết thương thủng thất phải, tràn máu trong màng tim, rất nguy kịch.

Các bác sĩ chẩn đoán, N. sốc mất máu do chấn thương tim, cần phải phẫu thuật gấp để đảm bảo tính mạng.

Thông tin cho PV VTC News, BS Triệu Quốc Thường, BSCKI - Trưởng đơn vị phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết: "Chỉ 15 phút sau khi vào viện, bệnh nhân được thực hiện đồng thời các biện pháp hồi sức, chống sốc và phẫu thuật khâu lại vết thương thất phải, làm sạch máu tràn ở màng tim và phổi.

Ca mổ diễn ra trong khoảng 3 giờ 30 phút. Hiện tại, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm và đang được theo dõi thêm tại bệnh viện".

 Bệnh nhân N. đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Theo BS Triệu Quốc Thường, đối với những trường hợp có vết thương ở thất phải, sốc mất máu nặng, sốc do ép tim cấp, vết thương ở tim tràn máu gây ép tim cấp, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cấp cứu.

Trái tim của người bệnh lúc đó không thể co bóp được do có vết thương, bệnh nhân lại bị sốc mất máu nhiều, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ bị ngừng tuần hoàn, ngừng tim rồi mất mạng rất nhanh.

BS Thường khuyến cáo, đối với các bệnh nhân không may bị vết thương tại vùng ngực, mất máu nhiều, người nhà cần tìm cách cầm máu, làm kín miệng vết thương... rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu.

“Những vết thương thấu ngực có thể gây tổn thương màng phổi, tổn thương tim, tổn thương các mạch máu lớn. Nặng hơn, các nạn nhân có thể bị đâm xuyên qua cơ hoành xuống các tạng ở ổ bụng, gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác”, BS Thường nhấn mạnh.

 Bác sĩ Triệu Quốc Thường, BSCKI - Trưởng đơn vị phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Trong năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 5 bệnh nhân mất máu nặng do bị vết thương vùng tim. Hầu hết các bệnh nhân đó đều được cứu sống. Tuy nhiên, một số trường hợp không kiểm soát được nguy cơ nhiễm trùng, giai đoạn điều trị kéo dài, tốn kém rất nhiều, nhưng vẫn không thể vượt qua được cơn nguy kịch.

“Đa số những bệnh nhân này vào viện khi đã muộn, bị sốc mất máu kéo dài, thậm chí ngừng tim, nên rất khó cấp cứu, cơ hội sống rất thấp. Sốc mất máu kéo dài gây rối loạn chức năng các cơ quan, gây tổn thương não, thậm chí tổn thương não không hồi phục, đặc biệt nguy hiểm”, BS Thường nói.

Video: Bệnh viện 108 cứu sống ngoạn mục bệnh nhân ngừng thở do thủng tim

>>> Đọc thêm:Chuyện lạ nhìn bàn tay có thể biết bị suy tuyến giáp hay không

Phạm Quý

Tin mới