Tôi có đọc được bài Không học trước, năm lớp 1 của con tôi thành cơn ác mộng trên báo điện tử VTC News. Theo đó, tác giả không cho con học chữ, học toán trước nên khi năm học bắt đầu, cháu luôn bị cô giáo phàn nàn là kém các bạn trong lớp. Tôi rất cảm thông với nỗi lo lắng, sự căng thẳng và nỗ lực của người mẹ trong bài. Tuy nhiên, vì cũng có con đang học lớp 2 trường công nên tôi muốn trao đổi về chuyện này dưới một góc nhìn khác.
Con tôi có xuất phát điểm chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Cháu chậm nói, 2,5 tuổi vẫn chỉ biết nói từ đơn, làm cái gì cũng mau chán, không tập trung. Vợ chồng tôi đưa con đi khám khắp nơi và thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ kết luận là chậm nói tự nhiên, không phải tự kỷ - điều mà rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con ở tình trạng tương tự. Kể từ đó, cháu phải học can thiệp để luyện khả năng nói.
Tới khi vào lớp 1, con tôi vẫn nói ngọng, khả năng diễn đạt còn chậm so với các bạn cùng tuổi. Cháu cũng không được học trước nhiều. Hành trang vào lớp 1 của cháu chỉ vỏn vẹn các chữ cái và khả năng tô chữ. Tuy nhiên, năm lớp 1 của con tôi không phải là cơn ác mộng.
Các bé lớp 1 háo hức trong ngày khai giảng. (Ảnh minh họa)
Trước khi con nhập học, chúng tôi có buổi nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, nói rõ con hạn chế ở những điểm nào, điểm mạnh của con là gì và mong cô giúp đỡ. Cô giáo chủ nhiệm rất tâm lý và luôn sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng tốt nhất, chẳng hạn như cho con ngồi bàn đâu, liên tục nhắc con tập trung, và kiên nhẫn hơn mỗi khi con không hiểu bài... Tôi cũng tin rằng, các cô giáo khác, dù trường công hay tư, cũng sẽ có cách hành xử như thế, nếu như cô được trao đổi về tình hình của học sinh.
Trong khoảng nửa học kỳ đầu, con tôi rõ ràng chậm hơn so với các bạn cùng lớp, kể cả về khả năng đọc, viết và làm toán. Tuy nhiên, tôi không gây áp lực cho con. Tôi luôn động viên, khuyến khích và khen ngợi con ở những điều nhỏ nhất. Tôi không so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ khác có thể được 9, 10 điểm; con tôi chỉ cần 6, 7 điểm nhưng có tiến bộ hơn so với hôm trước là tôi đã khen. Tôi khen con dựa trên sự nỗ lực của nó chứ không so thành tích với các bạn khác.
Tôi cũng không bao giờ hỏi con hôm nay ở lớp có những bạn nào được phiếu khen, bạn nào học giỏi. Tôi hạn chế đặt con vào sự so sánh và đặc biệt là tránh tạo cho con cảm giác nó đang đuối hơn các bạn.
Cũng không ít lần con hỏi tôi, tại sao các bạn làm được bài mà con không làm được, tại sao các bạn viết nhanh hơn con, tại sao con không được phiếu khen như các bạn... Những lúc đó, tôi chỉ ôm con vào lòng và bảo, mỗi người có một thế mạnh riêng, các bạn ấy giỏi ở điểm này thì con giỏi ở điểm khác. Ví dụ ở lớp có ai chạy nhanh hơn con không? Có ai đá bóng giỏi như con không?
Tôi luôn tìm những mặt tích cực của con để khen. Dần dần, con tôi không còn so sánh mình với các bạn nữa mà chỉ cố gắng để học tập có kết quả tốt hơn chính nó ngày hôm qua. Con tôi có thể chưa học giỏi bằng các bạn nhưng rất tự tin và hào hứng mỗi lần đến lớp.
Có những hôm cô giao nhiều bài tập quá. Với khả năng của con, nếu làm hết sẽ mất rất nhiều thời gian, phải thức khuya, không được ngủ đủ giấc và hôm sau tới trường sẽ rất mệt, ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài. Trong trường hợp đó, tôi thường vẫn cho con đi ngủ đúng giờ, buổi sáng gọi con dậy sớm hơn khoảng 30 phút để học. Nếu con đã cố gắng mà vẫn không làm xong, tôi sẽ trao đổi trực tiếp với cô giáo để buổi tối hôm sau con làm bù. Tôi không cố nhồi nhét kiến thức cho con bằng mọi cách. Quan trọng là hết năm học, con có thể nắm được các kiến thức cơ bản.
Khi con bị cô giáo nhắc nhở, tôi không vội quát mắng ngay mà chọn cách nói chuyện với con. Tôi nhớ có lần con vui chơi với bạn và khiến bạn bị chảy máu mũi. Khi cô giáo nhắn tin, đề nghị gọi điện xin lỗi phụ huynh của bạn, tôi giận sôi người. Hôm đó, tôi không đi đón con mà phải nhờ người khác đi thay. Tôi sợ nếu tôi gặp con lúc đó, tôi không kiềm chế được cơn giận của mình. Tôi luôn dạy con nguyên tắc không được đánh bạn và từ trước tới giờ, bé tuân thủ rất tốt.
Tối hôm đó, tôi gọi con lại nói chuyện; khi đã biết rõ mọi việc mới gọi điện cho vị phụ huynh kia. Hóa ra, hai bạn chỉ nô đùa với nhau nhưng bạn của con tôi hay bị chảy máu cam, nhất là khi bé chơi ngoài trời nắng lâu. Khi biết rõ sự việc, tôi nói với giáo viên chủ nhiệm và đề nghị con những lần sau phải chú ý hơn khi chơi với bạn.
Tôi nghĩ các bậc phụ huynh stress thường do không tin tưởng con mình. Chỉ cần người khác nói điều gì đó không hay về con, họ sẽ lo âu, bực tức và trút giận lên con, không cho trẻ cơ hội giải thích.
Cha mẹ đặt quá nhiều áp lực lên con rồi lại than gặp phải ác mộng khi con vào lớp 1.
Một điều nữa là nhiều người sợ con mình đuối hơn các bạn nên tìm cách dạy con trước, cho con làm bài trong sách bài tập trước, để con đạt điểm cao trên lớp. Cách này vô tình đã làm hại đứa trẻ. Đó là chưa kể các phụ huynh thường không có kỹ năng sư phạm, không biết cách truyền đạt kiến thức cho con, thậm chí dạy sai phương pháp, khiến cho đứa trẻ bị rối và càng khó khăn hơn trong việc tiếp thu kiến thức từ cô giáo.
Với vị phụ huynh trong bài viết kể trên, tôi nghĩ nếu bản thân chị không có tính hơn thua, không quá quan tâm đến thành tích của con thì sẽ không căng thẳng đến mức trút giận lên đứa trẻ như vậy. Năm học đầu tiên của bé lẽ ra đã không là cơn ác mộng với cả hai mẹ con nếu chị chấp nhận kết quả của con mình, đồng nghĩa với việc vui vẻ chấp nhận cả lời phê bình, đánh giá của cô giáo. Tôi cũng nghĩ cô giáo không đúng khi mới vào năm học đã đòi hỏi trẻ phải biết đọc, nhưng tình trạng stress, co rúm người sợ hãi của đứa trẻ một phần cũng do mẹ gây nên.
Mỗi đứa trẻ đều có tính cách riêng, điểm mạnh - yếu riêng và cha mẹ phải lựa cách để dạy dỗ chúng. Tôi không đưa lời khuyên nhưng tôi mong các bậc phụ huynh nên tôn trọng khả năng của con, đừng đặt lên con quá nhiều áp lực. Như vậy, mỗi ngày con đến trường là một ngày vui; mỗi năm học của con trôi qua đều không phải là cơn ác mộng đối với bất cứ gia đình nào.
Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.