Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Năm học kéo dài, học sinh chuyển cấp bị áp lực thế nào?

Nghỉ học kéo dài phòng Covid-19 khiến nhiều học sinh chuyển cấp lo lắng, nhất là các em chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia.

Một số tỉnh cho học sinh nghỉ đến ngày 4/4

Hầu hết các địa phương (trừ Vĩnh Phúc) đến thời điểm này vẫn tiếp tục cho học sinh (từ mầm non đến THCS nghỉ học) mà chưa hẹn ngày trở lại trường. Một số tỉnh như Đồng Nai quyết định cho học sinh nghỉ đến ngày 4/4.

Hà Nội, TPH.CM và Đà Nẵng cùng nhiều tỉnh, thành khác buộc phải cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học. Trước tình hình này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu việc nghỉ học tiếp tục kéo dài đến tháng 4, Bộ sẽ phải tính toán tiếp tục kéo dài thời gian học trong năm, trong đó điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia năm 2020.

Không phải Sở GD&ĐT nào cũng triển khai được dạy trực tuyến hay trên truyền hình. (Ảnh: Tienphong)

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, trường hợp học sinh phải nghỉ kéo dài hết tháng 3, các mốc thời gian năm học mới được điều chỉnh vẫn có thể giữ được, nhưng yêu cầu các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của mình. Mỗi trường sẽ phải tính toán để tiết kiệm thời gian, ưu tiên thời gian dành cho việc dạy học theo đúng chương trình, giảm bớt thời gian cho các sự vụ trong nhà trường.

Cũng theo ông Thành, cần tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đề xuất nếu không công bố đề minh họa thì Bộ GD&ĐT cần có định hướng lại về nội dung đề thi, không nên quá dàn trải, vì năm nay tình hình khác hẳn các năm trước. Các học sinh không học trên lớp cũng không thể học thêm ở đâu ngoài một số giờ học trực tuyến, học trên truyền hình.

Học sinh chuyển cấp gặp áp lực

Ở góc độ phụ huynh, chị Nguyễn Thị Hương (có con học lớp 12 ở Nam Định) không khỏi lo lắng khi chưa biết kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra vào thời gian nào. Mọi năm đến tuần cuối tháng 6 là kỳ thi diễn ra; năm nay có thể sẽ còn phải lùi đến tận tháng 8, tức là thêm 2 tháng nữa sẽ tạo áp lực cho học sinh.

Thời gian chờ đợi kỳ thi kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh và phụ huynh. “Học trực tuyến, học trên truyền hình, cứ nói thế nhưng phụ huynh không thể yên tâm khi các con chưa thể đến trường. Giải pháp tình thế này không phải học sinh nào cũng tiếp thu được” - chị Hương nói.  

Chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh, PGS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, nghỉ học kéo dài, các trường không bị ảnh hưởng nhiều vì tự chủ và đào tạo tín chỉ. Phần lớn các trường đều triển khai dạy trực tuyến.

Trong khi đó, ở bậc phổ thông, khung chương trình được quy định cứng chung cả nước, nên chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều. “Ảnh hưởng lớn nhất là học sinh thi chuyển cấp. Do thời gian học kéo dài đến hè cùng với nắng nóng sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em”, PGS. Bùi Đức Triệu nói.

Nhận  định năm nay kỳ thi THPT quốc gia có thể tháng 8 mới diễn ra, PGS Triệu cho rằng các trường đại học không bị ảnh hưởng nhiều. Nếu có, chỉ sinh viên năm thứ nhất bị lùi thời gian nhập học so với anh chị khóa trước. Do trường tự chủ, lại đào tạo tín chỉ, có thể học kỳ I giảm một số môn đào tạo thì vẫn bắt kịp lịch trình chung toàn trường.

PGS. Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tuyển sinh của các trường đại học có thể tổ chức vào 2 đợt trong năm là mùa thu (tháng 9, 10) và mùa xuân (tháng 4) như các nước trên thế giới. Vì vậy, việc lùi kỳ thi THPT quốc gia đến tháng 8 không ảnh hưởng đến tuyển sinh của các trường đại học.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới