Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc': Hơi thở dân gian trong không gian đô thị mới

(VTC News) -

Tác phẩm ''Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc'' là một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo, góp phần lan tỏa thông điệp sâu sắc về văn hóa và sáng tạo.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội không chỉ là một công trình giao thông công cộng hiện đại, mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện văn hóa, minh chứng cho tình hữu nghị Việt - Pháp bền chặt.

Dự án sử dụng công nghệ đường sắt đô thị Pháp, hiện đại hàng đầu thế giới và thường xuyên giữ vị trí trọng điểm trong các trao đổi cấp cao giữa Chính phủ hai nước. Được tài trợ bởi Chính phủ Pháp qua Tổng cục Kho bạc (DGT) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), cùng sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), dự án còn thể hiện sự cam kết lâu dài của Pháp với Hà Nội trong phát triển đô thị bền vững.

Tác phẩm ''Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc'' được đặt tại Ga S8 - Cầu Giấy.

Nhân dịp khai thác thương mại đoạn trên cao, tác phẩm công cộng Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc - Il est cinqheures, Hanoï s’éveille của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam đã được AFD thông qua quỹ Métis, trao tặng thành phố Hà Nội.

Với sự phối hợp cùng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, tác phẩm được đặt tại Ga S8 - Cầu Giấy, tác phẩm hòa quyện giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, tạo nên một không gian tương tác sống động, với mong muốn nâng cao trải nghiệm giao thông công cộng và gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường đến từng hành khách trên hành trình xanh.

Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc -Tên tác phẩm gợi nhớ đến bài hát kinh điển Il est cinq heures, Paris s’éveille (Năm giờ sáng, Paris thức giấc) của Jacques Dutronc, một ca khúc bất hủ về cuộc sống náo nhiệt buổi sáng của Paris.

Cũng như Paris thức giấc lúc năm giờ, Hà Nội cũng bắt đầu vận hành các chuyến tàu vào lúc 5h30 sáng. Trong thời khắc chuyển giao giữa đêm và ngày ấy, Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc như một biểu tượng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội - một thành phố tràn đầy năng lượng, sức sống và khát vọng bền vững.

Tác phẩm hòa quyện giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, tạo nên một không gian tương tác sống động.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn phát biểu: “Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường, tác phẩm này không chỉ tô điểm cho không gian công cộng của Thành phố mà còn gợi mở một thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của chúng ta đối với thiên nhiên và sự phát triển bền vững.

Mỗi chi tiết trong tác phẩm là một lời nhắc nhở cho người xem về mối gắn bó mật thiết giữa đô thị và sinh thái, về những cam kết bảo vệ môi trường và phát triển xanh mà Thành phố Hà Nội đã và đang theo đuổi.

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân Thủ đô, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Pháp, AFD vì món quà đầy ý nghĩa này. Hy vọng rằng tác phẩm sẽ trở thành một điểm dừng chân, một nguồn cảm hứng cho mỗi người dân Hà Nội và du khách quốc tế, góp phần tạo nên một Thủ đô sống động, hiện đại và bền vững". 

Mang cảm hứng từ thiết kế tàu điện “Leng keng” Hà Nội đầu thế kỷ XX, tác phẩm phác hoạ một toa tàu hóa thạch đồ sộ từ hơn 15.000 mảnh gốm với chiều cao hơn 2,8m và chiều ngang hơn 3,5m đang trong trạng thái tan chảy, gợi nên những liên tưởng tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Sự giao thoa giữa tranh dân gian Việt Nam cùng kỹ thuật dệt vải lâu đời Toile de Jouy thanh lịch và tinh tế của văn hóa Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng để nghệ sĩ Xuân Lam thể hiện tác phẩm. 

Tương tác với Công viên Thủ Lệ gần nhà ga S8, một vườn động thực vật trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hiện lên sống động trên thân tàu, hòa quyện với cảnh quan đền Voi Phục, một trong Tứ trấn Thăng Long.

Sự giao thoa giữa tranh dân gian Việt Nam cùng kỹ thuật dệt vải lâu đời Toile de Jouy thanh lịch và tinh tế của văn hóa Pháp (một loại vải có nguồn gốc từ thế kỷ XVIII thường miêu tả những khung cảnh thiên nhiên nên thơ) đã trở thành nguồn cảm hứng để nghệ sĩ Xuân Lam thể hiện từng nét vẽ tỉ mỉ, với kỹ thuật đan chéo đặc trưng, tạo nên nét độc đáo cho khu vườn dân gian Việt – Pháp.

Tác giả Nguyễn Xuân Lam chia sẻ: “Một điểm đặc biệt và cũng là thách thức chính của dự án là việc tôi đang đi du học, do đó không thể có mặt trực tiếp tại Việt Nam để chỉ đạo công việc. May mắn sao mọi chuyện cũng thuận lợi nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các trợ lý và đối tác tại làng gốm Bát Tràng, thông qua các cuộc gọi video và tin nhắn thoại mỗi ngày dù tôi đang ở bờ Đông nước Mỹ, cách xa hơn 13000 cây số.

Từ Paris đến Hà Nội, với sự hỗ trợ của AFD, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng đội ngũ thi công 15 người, ý tưởng nghệ thuật đã dần thành hiện thực sau hơn 5 tháng làm việc cường độ cao. Tôi làm việc mỗi ngày 12 tiếng trong hơn 2 tháng rưỡi, cho các công đoạn lên ý tưởng, nghiên cứu, làm phác thảo, viết đề xuất, thực hiện bản vẽ kỹ thuật, thực hiện họa tiết khu vườn.

Hoa văn của tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống trên tác phẩm.

Đội ngũ thi công cũng tốn tròn 3 tháng từ sáng tới đêm để thực hiện họa tiết khu vườn. Đội ngũ thi công cũng tốn tròn 3 tháng từ sáng tới đêm để thực hiện hóa bản vẽ, từ các khâu nặn mô hình, sau đó đổ khuôn, mài dũa, sản xuất gốm, lắp đặt tại hiện trường.

Tôi đã tách khu vườn của mình thành hơn 206 mảnh ghép, sau đó các nghệ nhân có thể dùng kỹ thuật in lụa (screen printing) và từng chút một chuyển hóa trực tiếp 100% nét vẽ của mình lên đất sét, tạo nên những mảnh mosaic sống động.

Kỹ thuật in lụa có lịch sử hơn 1.000 năm, góp phần tạo nên tên tuổi của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Andy Warhol, Robert Rauschenberg hay Roy Lichtenstein đã là cầu nối giúp tôi rút ngắn khoảng cách địa lý.

Công đoạn khó khăn nhất là khi nhận được lời mời thực hiện dự án, mặc dù phấn khởi nhưng tôi cũng lo lắng, phải suy nghĩ rất nhiều để làm một cái gì đó cân bằng được yếu tố thẩm mỹ, đảm bảo kỹ thuật, tương tác với địa lý khu vực, lịch sử và văn hóa của hai quốc gia nhưng vẫn có thể truyền tải một thông điệp và khiến cho người xem suy ngẫm”.

Nguyễn Xuân Lam đã tách khu vườn của mình thành hơn 206 mảnh ghép, sau đó các nghệ nhân có thể dùng kỹ thuật in lụa chuyển hóa trực tiếp 100% nét vẽ của mình lên đất sét, tạo nên những mảnh mosaic sống động.

Tác phẩm Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam là một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo, góp phần lan tỏa thông điệp sâu sắc về văn hóa và sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo,” lễ hội năm nay mang ý nghĩa kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai thông qua các hoạt động nghệ thuật và thiết kế đa dạng. Đây là lần thứ tư lễ hội được tổ chức, và qua từng năm, quy mô và tầm ảnh hưởng của sự kiện ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo sự tham gia của giới sáng tạo, người yêu nghệ thuật, và cộng đồng thủ đô.

Tác phẩm “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc” của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam là một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, với ba trụ cột chính là Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo, không chỉ là sân chơi cho những ý tưởng sáng tạo mới mẻ mà còn là cuộc đối thoại giữa các di sản văn hóa và sáng tạo đương đại.

Sự hiện diện của tác phẩm Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc trong bối cảnh lễ hội nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc, đồng thời khuyến khích phát triển ngành công nghiệp sáng tạo của Thủ đô.

Tác phẩm đã góp phần vào việc thúc đẩy tầm nhìn của Hà Nội, không chỉ là trung tâm sáng tạo của quốc gia mà còn hướng tới vị thế quốc tế trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Lễ hội không chỉ tổ chức tại các không gian triển lãm chính mà còn lan tỏa tinh thần sáng tạo đến khắp các không gian di sản, làng nghề truyền thống, và các tuyến phố trong lòng Thủ đô.

Sự kiện năm nay trở thành dịp để người dân và du khách cảm nhận và trải nghiệm sáng tạo ở mọi ngõ ngách của Hà Nội. Với sự hòa nhập của các tác phẩm nghệ thuật như Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc lễ hội mang đến cho công chúng những câu chuyện nghệ thuật giàu ý nghĩa, tạo nên cầu nối giữa các thế hệ và là nguồn cảm hứng cho những ai khao khát sáng tạo và yêu mến văn hóa Hà Nội.

Lê Chi

Tin mới