Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nam công chức Huế mặc áo dài đi làm, dân mạng hào hứng tranh cãi

(VTC News) -

Việc nam công chức Sở VHTT Thừa Thiên-Huế mặc áo dài đi làm khơi cuộc tranh luận cực kỳ sôi nổi về chuyện có nên yêu cầu nam giới diện trang phục này đến công sở.

Hình ảnh các quý ông tại Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân đến công sở đang thu hút sự chú ý của dư luận mấy hôm nay. Lãnh đạo cơ quan này cho biết, bắt đầu từ tháng 9 này, cán bộ, công chức của Sở sẽ mặc áo dài truyền thống khi đi làm vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng – ngày có lễ chào cờ toàn cơ quan.

Đẹp quá”, “Rất đẹp”… là những bình luận được lặp lại nhiều lần bởi hàng nghìn cư dân mạng. Tuy vậy, ngay trong số những người khen đẹp cũng chia làm hai “phe” khi bàn về việc có nên yêu cầu cán bộ, công chức viên chức mặc áo dài đến cơ quan.

Tôi thấy đẹp, văn minh và nhân văn, thể hiện lòng tự hào và bản sắc dân tộc. Nên áp dụng vào tất cả các thứ hai đầu tuần”, Bình Lang đề xuất.

Các anh mặc đẹp quá. Nếu có thể thì nên nhân rộng trang phục này cho công chức cả nước”, Mỹ Tâm viết.

Hồng Hoa nhận xét: “Bình đẳng giới là đây chứ đâu. Phụ nữ mặc áo dài truyền thống trong các ngày lễ, chào cờ thì nam giới cũng nên thế. Nam hay nữ cũng đều góp giữ gìn truyền thống”.

“Tôi thấy cán bộ ngoại giao nhiều nước châu Á khi tiếp đón đoàn khách quốc tế đều mặc quốc phục chứ không phải Âu phục. Mình cũng nên làm vậy. Huế đi đầu trong việc đưa áo dài nam vào công sở, rất đáng hoan nghênh” – Lý Hải bày tỏ quan điểm.

“Nam công chức mặc áo dài đến cơ quan cũng là cách quảng bá du lịch cực tốt cho Huế. Rất hay”, Anh Minh viết.

Các nam cán bộ Sở VHTT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài đến cơ quan.

Tuy nhiên, rất đông ý kiến cho rằng áo dài không phù hợp với nam giới ở môi trường công sở. Nhiều lý do được đưa ra: Kiểu đồ này khiến các quý ông giảm đôi phần nam tính; công chức mặc áo dài trông không năng động, hiện đại, chuyên nghiệp; bất tiện khi đi đường, khi làm việc và giao tiếp…

Gia Hân Phạm nêu ý kiến: “Tôi thích áo dài, nhưng tôi nghĩ bảo vệ áo dài truyền thống kiểu này hơi cực đoan. Mặc trong các dịp lễ hội thì rất hay, nhưng mặc đi làm thì không phù hợp. Coi trọng truyền thống như dân Nhật thì đàn ông cũng mặc âu phục, vì nó thể hiện tính hiện đại, chuyên nghiệp. Truyền thống cần giữ là tính cách cần cù chăm chỉ, còn trang phục cần có sự thay đổi theo thời đại, nếu cứ phải giống thời xưa thì chả lẽ đóng khố hay sao?”.

“Cán bộ Nhà nước mặc áo dài trông không mang phong cách công nghiệp, trông cứ chậm chạp thế nào ấy. Chưa kể tà áo dài cũng gây vướng nữa. Đất Huế nắng thì chói chang, mưa thì lê thê dầm dề, mặc áo dài cưỡi xe máy đi làm bất tiện lắm”, Ngọc Hoa viết.

Phan Tâm bình luận: “Đàn ông mặc vậy đi làm trông chẳng giống ai, sẽ phát sinh cảm giác ngại ngần, phải mang theo âu phục để cần đi đâu, gặp ai còn thay, thật bất tiện. Trang phục đi làm cần tiện lợi, thoải mái, chứ lụng thụng vướng víu rất dễ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.

Phạm Cung nêu ý kiến: “Đàn ông mặc áo dài trông chả ‘men-lỳ’ tý nào, trông cứ ẻo lả, điệu đà thế nào ấy. Mà mặc như vậy trông cứ cổ hủ, phong kiến nữa ấy”. “Tôi thì thấy mặc thế hơi kém nghiêm trang, đến cơ quan Nhà nước mà cứ tưởng đang đi lạc vào sân khấu biểu diễn”, Hạnh Trần nhận xét. Hai bình luận này nhận được nhiều phản hồi cả đồng tình lẫn phản đối.

Diệu Linh viết: “Phong kiến hay không là ở tư tưởng, suy nghĩ, ‘men – lỳ’ hay không là ở phong thái, tính cách, hành động chứ không phải do áo. Mặc dù vậy, tôi cũng nghĩ không nên yêu cầu nam cán bộ mặc nó đến cơ quan”.

Chủ đề thú vị này vẫn đang tiếp tục được trao đổi, bàn luận, thậm chí tranh cãi trên mạng xã hội. Trước hiệu ứng này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH TT Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Sở hoàn toàn không biến nó thành trang phục công sở mà chỉ mong muốn khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc".

Bạn có quan điểm thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Minh Nhật

Tin mới