Sáng 3/1, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình và kết quả kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Tăng trưởng GDP đạt 8,02%
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội phục hồi tích cực. Trong 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 1 chỉ tiêu không đạt.
Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Những giải pháp linh hoạt, kịp thời, đúng thời điểm của Chính phủ đã góp phần giữ vững sự ổn định trong điều kiện bất định, giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch, năm qua ngành du lịch Việt Nam đón trên 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới được phát triển, thương mại điện tử tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia; ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía bắc, khu kinh tế động lực; Hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (chuẩn bị triển khai trên toàn tuyến vào quý I năm 2023 và nhiều tuyến cao tốc liên kết vùng), dự án cầu Rạch Miễu 2, Đường vành đai phía tây TP Cần Thơ, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên…
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Một nội dung nữa cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong hệ thống hành chính nhà nước được chỉ đạo quyết liệt.
Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân; Chỉ đạo khẩn trương điều tra xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; Thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát và Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị "Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Chính phủ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra; qua đó chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 53 nghìn tỷ đồng, 8.241 ha đất. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh, trật tự.
Trong năm 2022, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 884 quy định kinh doanh tại 76 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 228 quy định; phê duyệt phương án phân cấp 699 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Chuyển đổi số quốc gia cũng được triển khai một cách sâu rộng, thực chất; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, đặc biệt là thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên toàn quốc.
Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp gần 77 triệu căn cước công dân gắp chíp điện tử cho công dân; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động; Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu (tăng 7 bậc so với với năm 2021).