Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Năm 2022, đổ tiền vào đâu để sinh lời?

(VTC News) -

Chứng khoán, bất động sản vừa trải qua một năm tăng chóng mặt, vậy sang năm 2022, nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” vào kênh đầu tư nào?

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục được coi là kênh đầu tư “vua” trong năm 2022. 

Lãi suất tiết kiệm khó tăng

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới nền kinh tế, các chuyên gia dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng theo hướng hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế.

Đầu năm 2021, mức lãi suất tiền gửi bình quân các ngân hàng áp dụng với kỳ hạn 12 tháng trở lên dao động khoảng 5,6-6%/năm, thấp hơn gần 2 điểm % so với trước dịch.

Lãi suất tiết kiệm khó tăng nên gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng phổ biến của nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng tư nhân cỡ lớn chỉ dưới 6%/năm. Còn lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ cũng không vượt quá 7%/năm.

Nếu lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, lợi suất tối đa người dân có thể nhận được trong năm vừa qua chỉ là trên dưới 6%.

Trong khi đó, nhu cầu về tín dụng hiện nay vẫn ở mức thấp, mới chỉ phục hồi nhẹ nhưng chưa trở lại như trước dịch. Ngân hàng nhà nước mới đây cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong năm 2022, điều này khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng mạnh trong năm nay.

Vì vậy, gửi tiết kiệm vẫn sẽ là kênh đầu tư kém hấp dẫn trong năm 2022.

Vàng diễn biến khó lường

Thị trường vàng đã trải qua một năm khá trầm lắng khi năm qua gần như không có biến động lớn. Dù trải qua 2 đợt sóng về giá vào đầu tháng 6 và giữ tháng 11, nhưng mức biến động không nhiều, vì vậy lợi nhuận kỳ vọng của các nhà đầu tư năm 2021 không được như mong muốn. 

Giá vàng đã trải qua 1 năm trầm lắng.

Đáng chú ý, giá vàng trong nước chịu tác động mạnh của thị trường thế giới. Trong khi đó, giá thế giới lại được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm tới. 

Trong dự báo về giá vàng thế giới năm 2022, Georgette Boele, chiến lược gia cao cấp về ngoại tệ và kim loại quý của Ngân hàng Hà Lan ABN Amro, dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022 và giảm tiếp xuống 1.300 USD/ouncevào cuối năm 2023.

Năm tới, các chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ là nhân tố chính dẫn đến sự sụt giảm của giá vàng. Ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố 3 lần tăng lãi suất năm 2022, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 vừa qua thì một số ngân hàng Trung ương cũng đang trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022.

Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, vàng khó có thể chống lại sức mạnh của USD cũng như các đồng tiền mạnh khác trên thị trường.

Chính vì vậy, vàng cũng sẽ trở thành kênh đầu tư kém hấp dẫn trong năm 2022.

Bất động sản: Phân khúc đất nền vẫn tăng giá

2021 được coi là năm đáng nhớ đối với nhà đầu tư bất động sản khi mức giá tăng ở tất cả các phân khúc. Đặc biệt là phân khúc đất nền. Tại nhiều địa phương giá đất nền đã tăng 30 - 50%. Điều đó cũng đồng nghĩa, nhiều nhà đầu tư đã lãi đậm khi đầu tư đúng thời điểm.

Phân khúc đất nền được dự đoán sẽ vẫn "hot" trong năm 2022.

Trong năm 2022, bất động sản có thể tiếp tục trở thành kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Và trong các phân khúc, đất nền vẫn là “miếng bánh” được các chuyên gia đánh giá sẽ đem lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư.

Hiện riêng tại Hà Nội giá đất nền hiện tại khá cao, trong vành đai 4 giá khoảng 60 - 80 triệu đồng/m2; từ vành đai 4 về vành đai 3 khoảng 100 - 200 triệu đồng/m2; trong vành đai 2 từ 200 - 500 triệu đồng/m2. Dự đoán trong năm tới, thị trường này còn sôi động và nhiều tiềm năng hơn nữa.

Ngoài ra, thị trường bất động sản sẽ tăng giá trong năm 2022 bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng.

Theo chuyên gia, đất nền các tỉnh giáp ranh Hà Nội, TP.HCM vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn, tuy nhiên, nguồn cung mới có thể tiếp tục hạn chế.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư "vua"

Trong năm 2021, chỉ số VN-Index tăng từ vùng 1.119 điểm lên 1.498 điểm (cuối ngày 31/12), tương đương tăng 33,7%. Thậm chí, đà tăng mạnh hơn còn ghi nhận với chỉ số HNX-Index khi tăng từ 206 điểm lên gần 474 điểm, tương đương gần 130%.

Chứng khoán vẫn được coi là kênh đầu tư "vua" trong năm 2022.

Riêng nhóm VN30 cũng ghi nhận mức tăng từ 1.080 điểm lên 1.535 điểm giai đoạn này, tương đương hơn 42%.

Có thể thấy, năm 2021, chứng khoán trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.

Nhận định về tiềm năng của chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, nhiều chuyên gia cho hay, thị trường năm 2022 có nhiều triển vọng, thậm chí còn tốt hơn năm 2021 vì nền kinh tế sẽ sớm hồi phục. 

Chia sẻ với báo điện tử VTC News, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VN-Driect, thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm tới và kỳ vọng VN-Index có thể đạt mức 1.700-1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định P/E của VN-Index vào khoảng 16,0-16,5 lần vào cuối năm 2022 (tương đương với mức định giá bình quân các năm gần đây).

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch COVID-19) là 6,8 - 7%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động được dự báo có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn; tiêu biểu là đầu tư chứng khoán.

Các tính năng mới dự kiến được triển khai nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.

Với những yếu tố hỗ trợ trên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm tới và là kênh hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Ngọc Vy

Tin mới