Thành phố đi ngủ sớm
Ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng chỉ rõ, năm 2019, ngành dịch vụ du lịch thành phố tuy sôi động nhưng mức chi tiêu bình quân, ngày lưu trú bình quân của du khách và doanh thu hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch lại giảm.
Theo ông Cường, nguyên nhân là thành phố chưa có kinh tế đêm đúng nghĩa, Đà Nẵng vẫn là một thành phố “đi ngủ sớm”, các điểm vui chơi về đêm để thu hút du khách chưa xứng tầm.
Chợ đêm Sơn Trà, nơi thu hút đông đảo du khách ở Đà Nẵng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện điểm đến Đà Nẵng có nhiều loại hình dịch vụ về đêm để phục vụ du khách như các show diễn, tour đường thủy ngắm sông Hàn, các bar, vũ trường, chợ đêm.
Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ chỉ hoạt đồng đến 22h hằng ngày và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc thì cũng chỉ đến 24h nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách.
“Vấn đề nữa là Đà Nẵng đang thiếu các trung tâm, các điểm vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn, đặc sắc ngang tầm quốc tế”, bà Hạnh nêu và lý giải hiện một số dịch vụ phục vụ du lịch như ẩm thực, mua sắm… đang có quy mô nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư, chưa có quỹ đất để xây dựng trung tâm vui chơi giải trí quy mô lớn, tách biệt các khu dân cư.
Bên cạnh đó, các quán bar, pub, hoạt động dịch vụ có âm thanh hiện theo quy định chỉ đến 24h nên hạn chế hoạt động trải nghiệm cho du khách về đêm. Đà Nẵng cũng chưa có cơ chế khuyến khích hoạt động kinh tế đêm.
Đà Nẵng quyết "thức đêm"
Để “đánh thức” nền kinh tế đêm, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương hoàn thiện dịch vụ khu phố du lịch An Thượng, tổ chức thí điểm chợ đêm 24/7 tại các khu vực bãi biển phố du lịch An Thượng; tổ chức phố đêm Bạch Đằng, kêu gọi dịch vụ giải trí đêm ở khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Ngoài ra, các tụ điểm lớn sẽ tổ chức thêm các hoạt động giải trí, ẩm thực, show diễn phục vụ khách về đêm.
Khách du lịch tham quan, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà.
Sở Du lịch cũng đề xuất các ngành nghiên cứu cho phép tàu thủy du lịch nội địa được hoạt động đến 24h; tăng thời gian hoạt động của bảo tàng, các điểm tham quan du lịch đến 21h…
Vì vậy, Đà Nẵng đã xin phép và được Thủ tướng có văn bản đồng ý chỉ đạo thành phố triển khai các hoạt động phát triển nền kinh tế đêm.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo TP Đà Nẵng làm việc với các sở, ban, ngành và giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, phát triển hoạt động kinh tế đêm.
Trong đó, tập trung vào các dự án hoạt động dịch vụ du lịch về đêm thiết thực và hiệu quả nhằm sớm đưa vào phục vụ du khách.
Trước mắt, Đà Nẵng sẽ tập trung cho các dự án như Phố đi bộ-chợ đêm Bạch Đằng đã được thành phố thống nhất chủ trương, giao UBND quận Hải Châu thực hiện, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 3/2020.
Dự án chợ đêm Sơn Trà hoạt động nhưng chưa hiệu quả sẽ giao UBND quận Sơn Trà đánh giá, đề xuất giải pháp để tổ chức mang lại hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng yêu cầu triển khai các dự án như: xây dựng đề án phát triển du cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang-Mân Thái; dự án phố đêm 24/7 tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn; dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi và công viên 2 đầu cầu.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trước mắt thành phố khuyến khích, vận động các trung tâm mua sắm lớn, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch truyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, phố du lịch An Thượng và chợ Hàn kéo dài thời gian mở cửa phục vụ khách về đêm.
Đà Nẵng chưa có nền kinh tế đêm xứng tầm để thu hút du khách.
Đà Nẵng cũng khuyến khích các khu, điểm du lịch lớn như Sun World Bà Nà Hills, Núi Thần Tài, Công viên Châu Á tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí về đêm như show diễn, ẩm thực... để phục vụ du khách.
Tổ chức quay cầu Sông Hàn, phun nước và lửa tại cầu Rồng vào lúc 23h hàng đêm thay vì thời gian như hiện nay. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cho phép các tàu du lịch đường thủy nội địa hoạt động trên sông Hàn kéo dài hoạt động đến 24h, tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện 2 bên bờ sông Hàn vào các buổi tối trong tuần.
“Thành phố đã giao Sở Du lịch chủ trì nghiên cứu xây dựng phát triển kinh tế về đêm trong lĩnh vực du lịch, đồng thời đề xuất cơ chế thí điểm đối với 3 loại hình dịch vụ, gồm: ẩm thực, mua sắm và vui chơi giải trí”, bà Hạnh nói.