Những ngày này, điện thoại của Than Than Soe đổ chuông đều đặn vào sáng sớm. Tất cả là yêu cầu từ thân nhân của các bệnh nhân chết vì COVID-19 ở thủ đô Yangon.
Than viết tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của họ vào một cuốn sổ cái trước khi cử một nhóm tới nhà bệnh nhân thu gom thi thể.
"Chúng tôi đang làm công việc của mình không ngơi nghỉ. Mỗi ngày, đội của tôi thu gom khoảng 30-40 thi thể. Tôi nghĩ các đội khác cũng giống như chúng tôi. Đôi khi có tới 2 xác chết trong một nhà", Than chia sẻ.
Các bệnh viện trên khắp Myanmar đang vắng các bác sỹ và bệnh nhân khi cuộc đình công phản đối chính quyền quân sự vẫn đang tiếp diễn.
Các tình nguyện viên cầu nguyện trước thi thể bệnh nhân chết vì COVID-19 tại một nghĩa trang ở Mandalay. (Ảnh: Reuters)
Sự giận dữ của người dân với cuộc đảo chính hồi tháng 2 khiến nhiều người tránh xa các bệnh viện do quân đội điều hành. Điều này buộc các tình nguyện viên phải tìm kiếm nguồn oxy cho các bệnh nhân và đưa người chết đi hỏa táng.
Sann Oo tình nguyện trở thành tài xế hỗ trợ việc vận chuyển các bệnh nhân mắc COVID-19 khi đợt dịch đầu tiên ập tới Myanmar vào năm 2020. Hiện tại, một ngày làm việc của Sann kéo dài 13 giờ.
"Chúng tôi đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Chúng tôi hỏi bệnh viện mà họ muốn đến. Nhưng giờ thì khác. Khi nhận được cuộc gọi đến, chúng tôi sẽ hỏi 'Nghĩa trang nào?'", Sann cho hay.
Hôm 18/7, Myanmar ghi nhận hơn 5.200 ca bệnh. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp Myanmar có trên 5.000 ca COVID-19. Số ca mắc nCoV của quốc gia Đông Nam Á hồi đầu tháng 5 chỉ là khoảng 50 trường hợp.
Các nhà phân tích cho rằng số ca bệnh thực ở Myanmar có thể cao hơn nhiều số liệu thống kê hiện tại.
Tại ngôi nhà của một nạn nhân, Sann Oo và các thành viên trong nhóm của anh đặt xác lên cáng, trùm chăn và đưa lên thi thể lên một chiếc xe đậu bên cửa.
Chiếc xe sau đó chạy tới lò hỏa táng Kyi Su, nơi có ít nhất 8 chiếc xe cứu thương khác đậu sẵn bên ngoài.
Tuần trước, Hội đồng Quản lý Nhà nước thừa nhận Myanmar đang đối mặt với khó khăn trong việc kiểm soát sự gia tăng số ca bệnh.
Truyền thông Myanmar đưa tin giới chức nước này đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung oxy từ các nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Myanmar mới đây cảnh báo Myanmar có nguy cơ trở thành "quốc gia siêu lây nhiễm COVID-19".
Than Than Soe cho biết hai thành viên trong nhóm của cô mắc COVID-19 gần đây. Một trong số họ đã chết.
Tại nghĩa trang Kyi Su, một người đàn ông nhận trợ giúp từ nhóm của Than gọi điện cho anh trai mình khi mẹ của họ sắp hỏa táng. Người đàn ông nhắn anh trai đợi xe cấp cứu tới đưa cha của họ vừa qua đời tới nhà xác.
Với Than, những cảnh tượng đau lòng như vậy xuất hiện liên tục những ngày qua.
"Có đôi khi tôi không muốn nhấc máy và không muốn trả lời các cuộc gọi. Không phải vì tôi không muốn làm nhiệm vụ mà là vì tôi cảm thấy đau đớn", cô chia sẻ.