Thông tin này được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian xác nhận hôm 17/3.
Ông Le Drian cho biết các biện pháp trừng phạt tới đây sẽ đình chỉ mọi hỗ trợ ngân sách và nhắm vào lợi ích kinh tế của các cá nhân liên quan tới đảo chính.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 22/2, Hội đồng EU cho biết khối sẵn sàng "áp đặt các biện pháp hạn chế" và "sẽ tiếp tục xem xét tất cả các công cụ chính sách của mình khi tình hình tiến triển, bao gồm cả chính sách về hợp tác phát triển và các ưu đãi thương mại".
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar. (Ảnh: Reuters)
Trước EU, Mỹ áp hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo quân đội Myanmar. Washington đưa nhiều quan chức trong Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ của Myanmar và các tập đoàn chủ chốt do quân đội điều hành vào danh sách đen thương mại.
Mục đích của các lệnh trừng phạt này là nhằm siết chặt nguồn tài chính đối với các tướng lĩnh quân đội Myanmar trong bối cảnh Nhà Trắng muốn tăng cường sức ép với lực lượng này sau bất ổn chính trị kéo dài ở quốc gia Đông Nam Á.
Theo số liệu Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền chứng thực được, ít nhất 149 người chết trong các cuộc biểu tình nổ ra sau cuộc chính biến cách đây hơn một tháng. Tuy nhiên, bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Văn phòng cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trong khi đó, thống kê từ Hiệp hội Hỗ trợ tù chính trị (AAPP) cho thấy, số người thiệt mạng lên tới hơn 180 người.
Bà Shamdasani cho biết hiện có khoảng hơn 2.000 người Myanmar bị giam giữ. Theo xác minh từ Văn phòng Cao ủy liên hợp quốc về nhân quyền, có ít nhất 5 người thiệt mạng trong khi bị giam giữ thời gian gần đây.