Chỉ huy lực lượng phòng thủ tên lửa và không gian của quân đội Mỹ Trung tướng Daniel Karbler cho biết Mỹ đang có sẵn một hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) sẵn sàng chuyển tới Ukraine nếu Kiev yêu cầu.
“Hai khẩu đội Iron Dome chúng tôi có lúc này – một khẩu đội đã hoàn thành khóa huấn luyện khai thác thiết bị mới - đã sẵn sàng triển khai. Khẩu đội thứ hai đang hoàn thiện công tác bảo dưỡng thiết bị, vì thế quân đội Mỹ có sẵn một khẩu đội để triển khai tới Ukraine nếu được yêu cầu", tướng Karbler cho biết khi trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Angus King trong cuộc họp Tiểu ban Thượng viện về lực lượng chiến lược vào tuần trước.
Hệ thống phòng không Iron Dome của quân đội Mỹ. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
"Rõ ràng là hệ thống phòng thủ tên lửa này rất quan trọng đối với người Ukraine", thượng nghị sĩ King nói trong khi đưa ra câu hỏi.
"Tại sao Iron Dome không được triển khai tới Ukraine? Chúng ta đã hỗ trợ chi phí. Chúng ta đã chi khoảng 3 tỷ USD cho Israel để phát triển nó, 500 triệu USD/năm, theo hiểu biết của tôi. Đó chẳng phải là nguồn lực rất quan trọng cho người Ukraine hay sao khi vấn đề chính của họ bây giờ là phòng không?", thượng nghị sĩ King chất vấn tướng Karbler.
Trả lời ông King về vấn đề này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách không gian John Plumb nói cho đến nay, Mỹ đã tập trung vào các hệ thống phòng thủ tên lửa từ kho dự trữ của mình để gửi tới Ukraine.
“Ông biết đấy, chúng ta đã cung cấp các khẩu đội Patriot, chúng ta đã thực hiện các khoản đầu tư đáng kể vào hệ thống phòng thủ tên lửa và đã khuyến khích các đồng minh làm điều tương tự", ông Plumb giải thích.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cố tình tránh né trước đề nghị gửi thiết bị quân sự tới Ukraine vào tháng trước trong bối cảnh có các báo cáo về áp lực ngày càng tăng từ Washington buộc ông phải làm như vậy. Lập trường hiện tại của Tel Aviv trái ngược với bình luận của ông Netanyahu hồi tháng 1 rằng Tel Aviv có thể gửi Iron Dome tới Kiev.
Chính quyền Ukraine cũng đã tha thiết đề nghị Israel gửi các hệ thống Iron Dome tới nước này vào năm ngoái, khi các quan chức nói Ukraine sẵn sàng mua hệ thống này, chứ không xin.
Quân đội Mỹ đã mua hai khẩu đội Iron Dome (Vòm Sắt) từ Israel vào cuối năm 2020, sau đó gửi một khẩu đội tới đảo Guam vào năm 2021 để đánh giá xem hệ thống này có thể hoạt động như thế nào trước tên lửa Trung Quốc.
Hiện tại Israel vẫn sử dụng Iron Dome một cách hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công rocket từ Dải Gaza vào nước này. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống này để đánh chặn các hệ thống tên lửa tấn công chiến thuật hiện đại vẫn chưa có đánh giá cụ thể.
Đầu năm 2022, trước thềm leo thang căng thẳng ở Ukraine, truyền thông Israel đưa tin Tel Aviv đã ngăn chặn nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển các khẩu đội Iron Dome của họ tới Ukraine trong bối cảnh lo ngại Moskva có thể đáp trả.
Hệ thống tên lửa phòng không Iron Dome của Israel trong tác chiến. (Ảnh: Getty Images)
Được quân đội Israel đưa vào trang bị từ năm 2011, Iron Dome được sử dụng rộng rãi trong các trận chiến giữa Israel chống lại lực lượng dân quân Palestine và Lebanon, vốn được trang bị chủ yếu bằng rocket tự chế và máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Israel đã quảng cáo Iron Dome là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các phân tích độc lập về tỷ lệ bắn hạ của Vòm Sắt đã đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của nó. Một nghiên cứu về việc sử dụng Iron Dome chống lại rocket của Hamas trong cuộc xung đột tháng 5/2021 ở Gaza tiết lộ rằng hệ thống này đã bị áp đảo một phần bởi rocket phóng loạt của Palestine.
Một khẩu đội Iron Dome bao gồm hệ thống radar, đài chỉ huy và điều khiển cùng ba bệ phóng, bệ phóng thứ hai được trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir mỗi bệ. Israel có khoảng 12 hệ thống Vòm Sắt trong kho vũ khí của nước này.