Tờ Daily Beast đưa tin, Trung Quốc đang sẵn sàng tham gia và mở rộng hợp tác với Afghanistan, sau đó tiến tới lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ và các nước NATO để lại sau khi họ rút quân khỏi quốc gia Trung Á này.
Theo nguồn tin của Daily Beast, với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã sẵn sàng tiến vào Afghanistan thời “hậu Mỹ”.
Daily Beast trích dẫn một nguồn tin thân cận với các quan chức chính phủ Afghanistan cho biết, chính quyền Kabul đang hợp tác với Trung Quốc về việc mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD, liên quan đến việc xây dựng đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn đầu khí giữa Pakistan và Trung Quốc.
Từ lâu Trung Quốc được cho đã muốn mở rộng BRI sang Afghanistan và đề nghị Kabul tham gia sáng kiến này từ 10 năm trước.
Binh sỹ Mỹ trở về căn cứ Fort Drum, New York năm 2020 sau 9 tháng triển khai ở Afghanistan. (Ảnh: Getty)
Một trong những dự án cụ thể được hai bên xúc tiến trong thời gian gần đây chính là tuyến đường mới do Trung Quốc viện trợ nối liền thủ đô Kabul, Afghanistan với thành phố biên giới Peshawar phía Tây Bắc Pakistan. Con đường này có thể xem là một phần của CPEC.
"Liên kết Kabul với Peshawar bằng đường bộ có nghĩa là Afghanistan chính thức gia nhập CPEC", nguồn tin của Daily Beast cho biết.
Theo nguồn tin này, thời kỳ “hậu Mỹ”, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cần tới một đồng minh có nguồn lực, sức ảnh hưởng và khả năng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kabul. Dĩ nhiên, chính quyền Ghani đã tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc từ trước đó và người Mỹ từng nhiều lần quan ngại về động thái này.
Trung Quốc bắt tay với Taliban
Trước đó, vào tháng 5, các phương tiện truyền thông Trung Quốc dẫn thông báo từ bộ ngoại giao nước này cho biết Bắc Kinh đang đàm phán với một số quốc gia khác, bao gồm cả Afghanistan, về việc mở rộng CPEC.
Theo thông tin này, Bắc Kinh đang đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy việc Afghanistan tham gia BRI, càng thuận lợi hơn với sự trở lại của Taliban sau khi người Mỹ rút quân. Các quan chức Trung Quốc được là cho luôn duy trì một “đường dây” liên lạc thường xuyên với các thủ lĩnh phiến quân kể từ khi Washington muốn đạt một thỏa thuận hòa bình với Taliban.
Taliban chắc chắn sẽ trở thành một đối tác tin cậy đối với người Trung Quốc nếu họ muốn mở rộng ảnh hưởng ở Afghanistan. Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực lại không nghĩ vậy, họ thậm chí còn kêu gọi thủ lĩnh các bộ lạc và chỉ huy các nhóm bán vũ trang cùng đứng lên chống lại sự trở lại của Taliban.
Vai trò của Afghanistan trong CPEC hay BRI sẽ lớn hơn khi quan hệ hợp tác với Trung Quốc ngày càng được mở rộng.
Các tuyến đường trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. (Ảnh: Asia Green)
Được biết, Trung Quốc đã khởi động một loạt các dự án cơ sở hạ tầng ở các khu vực gần Afghanistan, chẳng hạn như việc xây dựng sân bay Taxkorgan trên Cao nguyên Pamirs ở Tây Bắc Khu tự trị Tân Cương, giáp với Afghanistan. Cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan của Pakistan, giáp với Afghanistan được cho cũng do Trung Quốc đầu tư và điều hành.
Các nhà phân tích kết luận có vẻ Trung Quốc đã đề xuất một thỏa thuận hòa bình với Taliban để duy trì sự ổn định nhằm phát triển các dự án Vành đai và Con đường sang Afghanistan. Có thông tin cho thấy Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD cho Taliban trong các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng để đối lấu việc chấm dứt các hành động bạo lực.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là một dự án kinh tế đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông qua mạng lưới đường bộ và hàng hải bao phủ 60 quốc gia. Với chi phí ước tính lên đến 4 nghìn tỷ USD, sáng kiến này sẽ không chỉ cải thiện kết nối giữa các khu vực mà còn tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Afghanistan có thể mang lại cho Trung Quốc một nền tảng chiến lược hoàn hảo để phục vụ như một trung tâm thương mại kết nối Trung Đông, Trung Á và Châu Âu.
Trong cuộc họp ba bên Afghanistan-Trung Quốc-Pakistan vào đầu tháng trước, các ngoại trưởng của Islamabad và Bắc Kinh đã cam kết "mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại" với Afghanistan, cũng như "đóng một vai trò lớn hơn" trong quá trình hòa giải của đất nước sau khi Mỹ và đồng minh của họ rút quân.