Hai bên thảo luận hàng loạt vấn đề, từ tăng cường quan hệ đồng minh trên mọi lĩnh vực cho đến căng thẳng với Trung Quốc, cuộc chiến Nga-Ukraine, vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong lần gặp ở Bỉ hồi tháng 3/2022. (Ảnh: Kyodo)
Phát biểu trước phiên hội đàm chính thức với Thủ tướng Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Biden tái khẳng định cam kết liên minh mạnh mẽ với Nhật Bản cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực cải cách quốc phòng của nước này trong thời gian qua.
Ông Biden cũng cho biết đây là thời khắc đáng chú ý và quan hệ hai nước chưa bao giờ gần gũi như vậy: “Chúng tôi đang hiện đại hóa liên minh quân sự dựa trên việc tăng ngân sách quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản. Hãy để tôi nói rõ ràng, Mỹ cam kết đầy đủ, trọn vẹn và toàn tâm toàn ý với liên minh này”.
Thông điệp của Mỹ cũng rất rõ ràng, các khoản đầu tư vào liên minh Mỹ-Nhật đang mang lại những lợi ích to lớn, từ an ninh quốc gia cho đến các vấn đề kinh tế, thương mại và Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách này.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Kishida cũng cho rằng môi trường an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp và Nhật Bản phải thay đổi để đối phó hiệu quả: “Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Mỹ đang phải đối mặt với môi trường an ninh phức tạp và thách thức nhất. Cuối năm ngoái, chúng tôi đã xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mới để duy trì và đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, bảo vệ hòa bình và an ninh cho Nhật Bản”.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Kishida đến Mỹ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10 năm 2021 và là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du đến các nước nhóm G7. Chuyến đi của ông Kishida được cho là nhằm củng cố các quan hệ đồng minh và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật có nhiều dấu hiệu căng thẳng trở lại cũng như bất ổn khu vực Bán đảo Triều Tiên có xu hướng gia tăng với các vụ thử tên lửa hàng loạt của Triều Tiên.
Bên cạnh các vấn đề an ninh, lãnh đạo Mỹ-Nhật cũng thảo luận tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng, ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng ra tuyên bố chung khẳng định lại các cam kết giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.