Tuyên bố chung có sự tham gia của giới chức cấp cao nhiều nước châu Âu bao gồm: Estonia, Cộng hòa Séc, Ireland, Latvia, Ba Lan, Ukraine, Anh và Litva. Tuyên bố khẳng định, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án địa chính trị hướng tới mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu bằng cách thống trị thị trường năng lượng.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Tuyên bố chung trên được đưa ra trong bối cảnh hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đạt được thỏa thuận cho phép đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Đức được tiến hành.
Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic, ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc lắp đặt dự án bị ngưng trệ do Mỹ đã gia tăng sức ép với các bên liên quan và áp đặt các lệnh trừng phạt. Đến nay, dự án này đã hoàn thành hơn 97% khối lượng công việc xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 9 năm nay.
Cùng với Mỹ, Ukraine cũng kiên quyết phản đối dự án gần hoàn thành trị giá 11 tỷ USD này vì cho rằng, sau khi dự án hoàn thành, Nga sẽ không vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine, khiến nước này mất đi hàng tỷ USD phí vận chuyển và gây ra mối đe dọa an ninh cho Ukraine.