Theo Times of Israel, thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar gần như chắc chắn sẽ trở thành người đứng đầu Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và quá trình chuyển tiếp quyền lực vẫn đang diễn ra ở Kabul sau khi chính quyền thân Mỹ do Tổng thống Ashraf Ghani đứng đầu sụp đổ vào ngày 15/8.
Việc Baradar trở thành nhà lãnh đạo mới của Afghanistan đang dành được sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế bởi rất có thể chính người Mỹ đã giúp Baradar leo đỉnh cao quyền lực.
Tù nhân của Mỹ trở thành nhà lãnh đạo Afghanistan
Trước năm 2001, Abdul Ghani Baradar là một trong những thủ lĩnh có ảnh hướng lớn đối với Taliban. Khi Kabul rơi vào tay người Mỹ, không ít các thủ lĩnh Taliban lựa chọn sống lưu vong ở nước ngoài để tiếp tục cuộc kháng chiến của họ, trong đó có Baradar.
Đến năm 2010, Baradar bị lực lượng an ninh Pakistan bắt giữ trong một đợt truy quét các thủ lĩnh Taliban lẩn trốn ở nước này theo yêu cầu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thế nhưng đến năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại bất ngờ đề nghị Islamabad thả tự do cho Baradar. Vào thời điểm đó Washington cũng bắt đầu thúc đẩy đàm phán hòa bình với Taliban.
Abdul Ghani Baradar. (Ảnh: Getty Images)
Động thái này của Mỹ thời điểm đó đi theo đúng chiến lược Nam Á được chính quyền của ông Trump đưa ra vào tháng 8/2017, với mục tiêu buộc Taliban phải đàm phán với chính phủ Kabul để chấm dứt cuộc chiến. Cùng với đó Washington cũng vạch ra lộ trình rút dần quân Mỹ khỏi Afghanistan.
Do đó, việc Mỹ thả tự do cho Baradar có thể là nhượng bộ ban đầu dành cho Taliban. Baradar sau đó được chuyển đến Qatar và trở thành đại diện chính trị của Taliban trong các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ cũng như chính phủ Afghanistan.
Đến tháng 2/2020, Baradar có mặt trong buổi ký kết thỏa thuận Doha, theo đó Mỹ sẽ rút bớt lực lượng của họ ở Afghanistan. Đổi lại, Taliban hứa sẽ không để các phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng Afghanistan làm bàn đạp thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ cũng như các nước đồng minh.
Theo thỏa thuận Doha, Mỹ và Taliban thống nhất không đối đầu quân sự, tiếp đó là các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực giữa Taliban và chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani. Đàm phán đó không đạt tiến triển đáng kể nào những tháng gần đây và rõ ràng bây giờ Baradar cùng Taliban đã chọn đúng thời cơ, chờ người Mỹ rời đi và chuẩn bị tấn công.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải tại Afghanistan Zalmay Khalilzad (thứ 2, trái) và người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar (thứ 2, phải) tại lễ ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar ngày 29/2/2020. (Ảnh: AP)
Trong một chiến dịch có thể nói là ngoạn mục, Taliban đã chiếm gần như toàn bộ Afghanistan chỉ trong hơn một tuần, bất chấp việc Mỹ và NATO đã chi hàng tỷ USD trong gần 20 năm để xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan. Taliban tiến vào thủ đô Kabul vào ngày 15/8 trước phản ứng yếu ớt của chính quyền Ashraf Ghani.
Do đó, chiến thắng trên của Taliban không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Baradar, thủ lĩnh trên thực tế của lực lượng này. Việc Abdul Ghani Baradar trở thành nhà lãnh đao của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan là điều sớm muộn.
Được biết, Baradar đã trở về Kabul ngay trong đêm 15/8 sau khi Taliban kiểm soát gần như toàn bộ thành phố.
Trong một tuyên bố trên truyền hình về sự sụp đổ của chính quyền Kabul, ông Baradar nói rằng thử thách thực sự của Taliban mới chỉ bắt đầu và họ có nhiệm vụ tái thiết lại đất nước Afghanistan.
Abdul Ghani Baradar là ai?
Sinh năm 1968 ở tỉnh Uruzgan, Abdul Ghani Baradar tham gia nhóm phiến quân Hồi giáo mujahideen để chống lại việc Liên Xô can thiệp quân sự vào Afghanistan những năm 1980.
Sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1992, Afghanistan rơi vào nội chiến giữa các phe nhóm. Baradar thành lập trường dạy giáo lý đạo Hồi ở Kandahar cùng chỉ huy cũ kiêm người anh rể nổi tiếng Mullah Mohammad Omar.
Hai người cùng lập ra Taliban, một phong trào do các giáo sĩ trẻ tuổi lãnh đạo nhằm thanh lọc tôn giáo của đất nước và thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan. Cái tên Taliban có nghĩa là "học sinh", dùng để mô tả các thành viên đầu tiên của tổ chức là những người theo học Mullah Omar.
Mullah Abdul Ghani Baradar (phải) gặp ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo tại Doha, Qatar tháng 9/2020 để đàm phán tiến trình hòa bình Afghanistan. (Ảnh: Getty Images)
Mang trong mình nhiệt huyết tôn giáo, lòng căm thù đối với các thủ lĩnh phe phái và được sự hỗ trợ đáng kể từ cơ quan Tình báo liên dịch vụ (ISI) của Pakistan, Taliban chiếm quyền lãnh đạo đất nước năm 1996 sau khi đánh chiếm loạt thủ phủ của các tỉnh khiến cả thế giới phải ngạc nhiên, như cách lực lượng này đã thực hiện những tuần gần đây. Baradar, phó tướng của Mullah Omar, được nhiều người tin là một chiến lược gia và kiến trúc sư quan trọng của những chiến thắng đó.
Baradar liên tiếp đảm nhiệm các vai trò hành chính và quân sự trong chế độ Taliban kéo dài 5 năm. Khi Mỹ và các đồng minh Afghanistan lật đổ Taliban năm 2001, Baradar đang là thứ trưởng quốc phòng.
Trong một thời gian sau khi Mỹ tiến vào Afghanistan, Baradar cùng một số thủ lĩnh Taliban từng nhiều lần gửi thư cho cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nhằm phác thảo một thỏa thuận tiềm năng cho phép Taliban giữ vai trò nhất định trong chính quyền mới, dĩ nhiên đề nghị này đã bị phía Kabul khước từ.
Trong 20 năm Taliban bị lật đổ, Baradar nổi tiếng là lãnh đạo quân sự và chính trị gia khôn ngoan. Các nhà ngoại giao phương Tây coi ông thuộc phe Quetta Shura, một tổ chức quân sự tập hợp lại Taliban, không chịu sự chi phối từ các cơ quan tình báo nước ngoài và chịu trách nhiệm cao nhất trong các cuộc tiếp xúc chính trị với chính quyền ở Kabul.