Theo đài ABC, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày một quyết liệt hơn, Washington đã đề ra một kế hoạch mở rộng căn cứ tiền phương cho các phi đội máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân.
Lựa chọn tốt nhất Lầu Năm Góc đang nghĩ đến lúc này là Australia khi quốc gia này có các cơ sở quân sự đáp ứng được việc triển khai máy bay ném bom tầm xa và các phi đội B-52 của không quân Mỹ sẽ có nhiệm vụ triển khai luân phiên ở Australia.
Cũng trong phóng sự của ABC, Lầu Năm Góc được cho là đang tìm một vị trí thích hợp ở miền Bắc Australia để triển khai phi đội B-52, với một trung tâm bảo dưỡng và đủ đường bang cho 6 chiếc B-52. Căn cứ không quân Tindal của không quân Australia đang được xem là thích hợp nhất.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H của Mỹ trong một cuộc tập trận. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Việc mở rộng căn cứ Tindal có thể tiêu tốn tới 100 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026.
Các cơ sở không quân mới là điều cần thiết để hỗ trợ các hoạt động chiến lược và cho phép Mỹ thực hiện các cuộc tập trận kéo dài ở miền Bắc Australia trong mùa khô, đài ABC dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
“Hợp tác hàng không tăng cường” giữa Australia và Mỹ đã được thảo luận trong các cuộc họp cấp bộ trưởng AUSMIN năm ngoái, dù các bên nhất trí về “việc triển khai luân phiên các loại máy bay của Mỹ” ở Australia nhưng chưa từng đề cập đến kế hoạch B-52 tại Tindal.
“Việc triển khai các máy bay ném bom của không quân Mỹ tới Australia sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ về khả năng chiếm ưu thế trên không của chúng tôi”, một đại diện của không quân Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở quân sự của Washington ở Australia không chỉ giới hạn ở Tindal. Mỹ hiện đang xây dựng một cơ sở lưu trữ nhiên liệu máy bay khổng lồ trị giá 270 triệu USD ở ngoại ô Darwin, cách căn cứ Tindal khoảng 320 km. Đồng thời, một căn cứ thu thập tình báo chung của Mỹ và Australia là Pine Gap gần Alice Springs được cho là đang mở rộng và nâng cấp.
Trước đó vào năm 2021, Mỹ, Australia và Anh đã công bố thành lập một hiệp ước an ninh mới AUKUS, dự kiến cung cấp cho Canberra các tàu ngầm hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường nhằm giúp hải quân Australia nâng cao khả năng tấn công.
Trong khi các thành viên AUKUS cho rằng hiệp ước chỉ nhằm mục đích bảo vệ an ninh châu Á – Thái Bình Dương, thì Trung Quốc cho rằng liên minh này tạo ra rủi ro nghiêm trọng đối với khu vực.
Bộ Quốc phòng Nga cũng có những cảnh báo AUKUS có thể đặt toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm, vì hiệp ước này mang ý nghĩa “một liên minh quân sự-chính trị”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bác bỏ quan điểm này, nói rằng Washington không tìm cách thành lập “một NATO mới ở châu Á”.