Mỹ sẽ lùi kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng từ năm 2025 sang năm 2026. Tuyên bố được người đứng đầu Tổ chức hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đưa ra ngày 9/1 trong bối cảnh cơ quan này đang đối mặt nhiều thách thức về kỹ thuật và trì hoãn.
Kế hoạch Artemis, được Mỹ chính thức thông báo hồi năm 2017, là một phần trong kế hoạch của NASA nhằm duy trì sự hiện diện lâu dài ở Mặt Trăng, để từ đó rút kinh nghiệm cho một sứ mệnh tương lai đến Sao Hỏa.
Mỹ sẽ lùi kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng từ năm 2025 sang năm 2026. (Ảnh: Space)
Artemis 1 - sứ mệnh đầu tiên bay thử nghiệm tới Mặt Trăng và trở lại, đã được thực hiện vào năm 2022 sau nhiều trì hoãn.
Phát biểu với báo giới, ông Nelson cho biết sứ mệnh Artemis 2, với một phi hành đoàn nhưng không hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, đã bị hoãn từ kế hoạch ban đầu vào cuối năm nay đến tháng 9/2025.
Trong khi đó, Artemis 3, với phi hành gia là nữ và da màu đầu tiên, dự kiến sẽ đáp xuống bề mặt cực Nam Mặt Trăng dự kiến diễn ra vào tháng 9/2026.
Ông Nelson khẳng định an toàn mục tiêu hàng đầu của NASA, và việc lùi thời gian này sẽ cho phép sứ mệnh Artemis có thêm thời gian để giải quyết các thách thức.
Thông báo của NASA được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk, hãng Lockheed Martin và nhiều nhà thầu khác đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, SpaceX đã giành được hợp đồng cung cấp hệ thống hạ cánh cho Artemis 3 dựa trên phiên bản tên lửa Starship nguyên bản của bản. Tuy nhiên, cả hai thử nghiệm bay quỹ đạo của SpaceX đến nay đều đã thất bại.
Trong khi đó, sứ mệnh Artemis 1 cũng cho thấy nhiều vấn đề kĩ thuật cần phải giải quyết, như với tấm chắn nhiệt, hệ thống điện và pin trên tàu vũ trụ Orion.