Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian để hàn gắn quan hệ với Pháp

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể hàn gắn mối quan hệ với Pháp.

Quan hệ Mỹ - Pháp đã bị ảnh hưởng do tranh cãi liên quan đến thỏa thuận an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), dẫn đến việc Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm trị giá khoảng 66 tỷ USD với Paris.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phát biểu mới nhất, Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định tuyên bố của Nhà Trắng sau cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, rằng Pháp và các đối tác châu Âu của Mỹ sẽ được "hưởng lợi từ các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề quan tâm chiến lược".

Ông Blinken bày tỏ sự tôn trọng của mình đối với Ngoại trưởng Le Drian, đồng thời cho biết hai bên đều thừa nhận rằng việc hàn gắn quan hệ song phương "sẽ mất nhiều thời gian, công sức và sẽ được thể hiện không chỉ qua lời nói mà còn bằng hành động". Ông cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với người đồng cấp Le Drian trong việc thúc đẩy nỗ lực quan trọng này. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Le Drian cũng cho biết Pháp và Mỹ “cần thời gian và hành động” để thoát khỏi khủng hoảng và khôi phục lòng tin.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí giảm căng thẳng và cam kết thực thi tiến trình "tham vấn sâu rộng... nhằm đảm bảo sự tin cậy", đưa ra những đề xuất cụ thể hướng tới các mục tiêu chung. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10 tới để "đạt được hiểu biết chung và duy trì động lực của tiến trình này" nhằm khôi phục lòng tin, song không công bố địa điểm cụ thể. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sau khi Paris phản ứng gay gắt về việc bị mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Australia.

Năm 2016, Australia đã nhất trí mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel của Tập đoàn Naval của Pháp. Tuy nhiên, tuần trước Australia đã hủy bỏ thỏa thuận trên, chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ như một phần của AUKUS. Tập đoàn Naval của Pháp cho biết sẽ gửi một đề xuất và tính toán chi tiết tới Australia trong vài tuần tới về chi phí mà Canberra phải bồi hoàn do hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp.

Nguồn: Báo Tin tức

Tin mới