Theo Military Watch, động thái trên của Washington diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại Nga sẽ mở một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, như cách lý giải của người Mỹ thì việc họ điều động thêm máy bay đến châu Âu là thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh trong khu vực.
Ngay từ ngày 10/2, không quân Mỹ đã cho triển khai các tiêm kích đa năng hạng nặng F-15C/D Eagle đến căn cứ không quân ở Ba Lan để hỗ trợ nhiệm vụ phòng không Baltic – “Baltic Air Policing” của liên minh quân sự NATO ở các nước Baltic.
Số lượng F-15C/D được Mỹ triển khai đến Ba Lan dù không quá lớn nhưng chúng được vũ trang khá mạnh với các tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 phù hợp với nhiệm vụ đánh chặn trên không.
Các tiêm kích F-15C/D vừa được Mỹ triển khai đến căn cứ Łask ở Ba Lan. (Ảnh: Dowództwo Generalne)
Trong một tuyên bố sau khi F-15C/D được triển khai tới Ba Lan, phía Mỹ đã nhấn mạnh vai trò của các chiến đấu cơ này trong việc tăng cường sự sẵn sàng và khả năng răn đe của liên minh khi Nga tiếp tục có hành động leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Ngay sau phi đội F-15C/D, ngày 11/2, Mỹ tiếp tục triển khai phi đội tiêm kích F-16 đến Romania. Những hình ảnh về hoạt động chuyển quân của không quân Mỹ cho thấy số F-16 này cũng được trang bị tên lửa AIM-120, điều này chỉ ra nhiệm vụ của chúng khi được điều động đến Đông Âu.
F-16 là loại tiêm kích hạng nhẹ được sử dụng rộng rãi trong không quân Mỹ và các nước NATO. So với các tiêm kích đa năng của Nga, F-16 có phần hơi lép vế cả về khả năng mang vũ khí cũng như tầm tác chiến. Chính vì lý do này Mỹ đang có ý định loại biên dần F-16 từ năm 2024 và thay thế chúng bằng tiêm kích tàng hình F-35.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã phải tạm hoãn khi hiệu suất hoạt động của F-35 không đạt như kỳ vọng, không quân Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục vận hành F-16 thêm ít nhất một thập kỷ nữa.
Dù vậy, trong kho vũ khí của không quân Mỹ hiện tại, F-15 và F-16 vẫn là hai ứng cử viên hàng đầu cho các sứ mệnh viễn chinh khi hiệu suất hoạt động của chúng đã được chứng minh qua thời gian.
Trước khi F-15 và F-16 đến Đông Âu, không quân Mỹ đã triển khai bốn máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H từ Bắc Dakota đến căn cứ không quân Fairford, Anh (10/2), cùng với đó là một máy bay vận tải hạng nặng C-5M Galaxy hỗ trợ hậu cần.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H Mỹ hạ cánh xuống căn cứ Fairford hôm 10/2. (Ảnh: Daily Mail)
Ngoài khả năng thực hiện tấn công răn đe hạt nhân, máy bay B-52H cũng có thể triển khai các vũ khí dẫn đường chính xác như tên lửa hành trình, bom thông minh tấn công các mục tiêu từ xa, tránh các nguy cơ từ lực lượng phòng không đối phương.
Với B-52H, Mỹ có thể mở các tấn công bất cứ mục tiêu nào nằm bên trong lãnh thổ Nga từ không phận Tây Âu, giúp nó trở thành thứ vũ khí răn đe hiệu quả. Dù vậy điều này lại khiến B-52H trở thành mục tiêu ưu tiên cần phải bị tiêu diệt nếu xung đột nổ ra.
Sau đợt trên khai trên, Mỹ hoàn toàn có thể bổ sung thêm máy bay quân sự đến châu Âu nếu căng thẳng ở Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên sự điều chuyển này sẽ làm suy giảm nguồn lực quân sự của Washington ở các khu vực chiến lược khác như Đông Á và Trung Đông kèm theo đó chi phí đắt đỏ đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trước đó.