Theo truyền thông, gói viện trợ tên lửa không đối đất tầm xa JASSM của Mỹ dành cho Ukraine dự kiến công bố vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Một quan chức Mỹ cho biết JASSM chỉ được tích hợp vào máy bay do Mỹ thiết kế, các nỗ lực đang được tiến hành để có thể vận hành chúng với máy bay chiến đấu không thuộc quyền sở hữu của phương Tây. JASSM phiên bản cũ có tầm bắn khoảng 370 km, trong khi phiên bản tầm xa có thể bay xa hơn 800 km.
Mỹ cân nhắc gửi tên lửa hành trình tầm xa tới Ukraine. (Ảnh: AP)
Vẫn chưa rõ Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine loại nào trong hai loại tên lửa nêu trên. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng không bình luận về báo cáo của giới truyền thông liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine.
Nga xem việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là trở ngại trong giải quyết xung đột và cho rằng điều này trực tiếp liên quan đến các nước NATO.
Hồi đầu tháng 8, Mỹ tuyên bố gửi thêm cho Kiev số tên lửa và đạn dược trị giá 125 triệu USD. Cụ thể, để giúp Ukraine đáp ứng "nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng", Mỹ sẽ gửi tên lửa phòng không Stinger, đạn dược cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn cho pháo 155 mm và 105 mm, tên lửa chống tăng Javelin, AT-4 và TOW, đạn vũ khí hạng nhẹ, vũ khí phá hủy.
Gói này cũng bao gồm radar đa nhiệm, xe cứu thương Humvee, phụ tùng thay thế cùng các dịch vụ, công tác đào tạo và vận chuyển.
Lô viện trợ quân sự trước đó của Washington trị giá 1,7 tỷ USD, được giao cho Ukraine vào cuối tháng 7. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ gửi hơn 56,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Nói về việc viện trợ, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết không cảm thấy đây là hành động leo thang, thay vào đó mọi hành động của Ukraine đều là "tự vệ chính đáng".