Hôm 10/11, Nhà Trắng cho biết, bà Harris và ông Macron nhất trí khởi động đối thoại song phương toàn diện. Theo đó, các quan chức Mỹ và Pháp sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, mở rộng khám phá không gian cũng như khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và giáo dục.
“Đánh giá cao quan hệ đối tác Mỹ - Pháp trong lĩnh vực không gian, ghi nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của không gian trong việc cung cấp lợi ích cho các nước trên thế giới, Phó Tổng thống Harris và Tổng thống Macron đã nhất trí thiết lập đối thoại toàn diện Mỹ - Pháp về không gian để tăng cường dân sự, thương mại, và hợp tác không gian an ninh quốc gia”, Cố vấn cấp cao và người phát ngôn chính của Phó Tổng thống Mỹ - Symone Sanders, cho biết.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Tổng thống Emmanuel Macron.
Cũng trong cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ, ông Macron và bà Harris thảo luận về đại dịch COVID-19, và các vấn đề liên quan đến hợp tác song phương.
Tại cuộc gặp, ông Macron cho biết: “Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới và sự hợp tác giữa Mỹ và Pháp là rất quan trọng”.
Trong khi đó, bà Harris nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên mới, với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Khi Mỹ và Pháp cùng nhau vượt qua những thách thức, hai nước sẽ đạt được những thành công vì các giá trị được chia sẻ và các ưu tiên chung”.
Pháp đã rất tức giận sau khi Australia quyết định từ bỏ thỏa thuận tàu ngầm diesel trị giá hàng chục tỷ USD mà hai nước ký kết trước đó, thay thế bằng hợp tác với Mỹ và Anh để phát triển ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS.
Pháp gọi đây là hành động "phản bội", "đâm sau lưng" và "lừa dối", sau đó triệu đại sứ ở Australia và Mỹ về nước để phản đối.
Nhà Trắng đang tìm cách hàn gắn quan hệ với đồng minh với Pháp. Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Paris và gặp song phương với Tổng thống Macron. Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng đã gặp ông Macron ở Rome (Italy), xem đây như một phần của nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Pháp.