Hôm 1/9, Lầu Năm Góc bác yêu cầu mới của Bắc Kinh rằng tất cả các tàu nước ngoài phải đăng ký với chính quyền Trung Quốc khi đi vào vùng biển nước này tự nhận là "lãnh hải", gọi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại.
Theo đó, John Supple, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết: “Bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được thừa hưởng theo luật pháp quốc tế”.
“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng - cả ở Biển Đông, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển khác”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple nhấn mạnh.
Tàu chiến Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở các vùng biển trong khu vực. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng cho hay “Mỹ cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối cho biết liệu chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về quy định này hay không. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Washington đã nói rõ quan điểm với Bắc Kinh rằng họ coi các yêu sách lãnh thổ mở rộng là bất hợp pháp.
“Chúng tôi không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp đã cùng với các đối tác và đồng minh phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quá đáng của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”, phát ngôn viên Ned Price cho hay.
Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận “tự do hàng hải” trong khu vực, khẳng định quyền tự do đi lại ở các tuyến đường biển quốc tế.
Trong chuyến thăm Đông Nam Á mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho rằng, khu vực này cần phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với các yêu sách lãnh thổ rộng lớn và hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
“Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh để tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và thách thức các hành động bắt nạt và yêu sách hàng hải thái quá của nước này”, bà Kamala Harris nói.
Phản ứng trước việc Trung Quốc bắt đầu thi hành Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, hôm 1/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển".
"Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS", bà Hằng cho biết thêm.