Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức điện Kremlin, tuyên bố rõ ràng trọng tâm của Mỹ sẽ tập trung vào những cá nhân liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và quy trách nhiệm cho họ.
“Mỹ không muốn đóng cửa con đường lánh nạn cho những người bất đồng chính kiến ở Nga hoặc những người dễ bị ảnh hưởng trong vấn đề nhân quyền", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Nhiều quốc gia phản đối việc cấm thị thực đối với công dân Nga.
"Chúng tôi cũng đã nói rõ rằng điều quan trọng là phải vạch ra ranh giới giữa các hành động của Chính phủ Nga, các chính sách của họ ở Ukraine, và người dân Nga", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng phản đối đề xuất cấm thị thực đối với công dân Nga. Theo đó, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết ông không ủng hộ lệnh cấm tất cả các công dân Nga đến các nước thành viên của khối, vốn được một số quốc gia Baltic ủng hộ.
Ông Borrell gọi đề xuất cấm thị thực đối với công dân Nga là “hành động không khôn ngoan” và cho rằng EU nên tập trung nhiều hơn vào các lệnh trừng phạt nhằm vào chính phủ Nga hơn là người dân nước này.
Một số quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức lên tiếng phản đối kế hoạch này. Thủ tướng Olaf Scholz lập luận rằng toàn bộ người dân Nga không nên chịu trách nhiệm về những hành động quân sự mà Moskva tiến hành ở Ukraine.
Một số nhà lãnh đạo EU như Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Estonia Kaja Kallas, đã kêu gọi một lệnh cấm thị thực trên toàn EU.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga hiện tại của phương Tây là "yếu", bày tỏ mong muốn đòn cấm vận mạnh mẽ hơn với việc cấm đi lại đối với tất cả người Nga ít nhất một năm.