Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng: Đất sống màu mỡ cho bán hàng đa cấp '1 vốn 4 lời'

(VTC News) -

Sau thời gian núp bóng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bán hàng đa cấp, các nhóm, doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình này đang dần trỗi dậy với đủ chiêu trò tinh vi.

Hoạt động này càng diễn ra phổ biến trong bối cảnh xã hội thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19, thông qua các phương tiện Internet như mạng xã hội, ứng dụng di động, ứng dụng cuộc họp trực tuyến...

“Bẫy” đa cấp “thổi phồng” công dụng 

Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đưa ra cảnh báo thực phẩm chức năng dòng sản phẩm viên ngậm chăm sóc sức khỏe của Mỹ thương hiệu là APLGO có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.

Cụ thể, trên mạng Internet và một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư trực tiếp, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên APLGO với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động.

Trong đó, các đối tượng sẽ lập nhóm chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một “kinh nghiệm thực tế” hay “nhân chứng sống” của người đã từng bị bệnh.

Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh. 

Với những hành vi trên sẽ gây tác động tới số lượng người tham gia lớn vì thông tin lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Mô hình thực phẩm chức năng APLGO lôi kéo người tham gia mạng lưới bằng chính sách hoa hồng cao (Ảnh: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng)

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết: Mặc dù hoạt động kêu gọi người tham gia và chính sách trả thưởng khi tham gia vào mạng lưới của các tổ chức, cá nhân này có dấu hiệu là kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng đến nay, Cục chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào mang tên là APLGO như trên.

Liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trong lĩnh vực thực phẩm chức năng APLGO, thời gian gần đây, các “bẫy” đa cấp livestream bán mỹ phẩm cũng được diễn ra một cách công khai khiến không ít người kinh doanh online bị “nếm quả đắng”. 

Có thể tổng kết lại một số chiêu trò mà đa cấp mỹ phẩm thường sử dụng để dẫn dụ người tham gia. Đó là thường xuyên đăng tuyển cộng tác viên, đại lý hoặc tiếp cận với những người cần việc để biến họ thành đại lý của mình. Khi nạn nhân bắt đầu tham gia, sẽ có những “chim mồi” mua hàng liên tục với giá trị thấp.

Sau đó là hàng loạt mồi câu khác, từ vinh danh đến thăng cấp, trúng thưởng, quảng bá doanh thu công ty, để rồi những nạn nhân tin tưởng và chấp nhận bỏ tiền mua hàng số lượng lớn để nhận hoa hồng cao… Cứ thế, các con mồi móc tiền, ôm hàng tồn và khóc ròng mà không làm gì được.

Không chỉ thế, nhiều công ty đa cấp như trên còn núp dưới vỏ bọc kinh doanh thành công, doanh nhân thành đạt. Một số giám đốc của công ty mỹ phẩm đa cấp còn từng nhận những giải thưởng người đẹp doanh nhân, hay được vinh danh như doanh nghiệp thành đạt trong một vài cuộc thi nào đó. Để rồi, khi cơ quan chức năng bóc các đường dây lừa đảo, dư luận mới vỡ lẽ…

Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu nêu trên.

Hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự tới 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

80% doanh thu đa cấp là thực phẩm chức năng.

80% doanh thu đa cấp từ thực phẩm chức năng

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, từ đầu năm 2021 đến nay, không có doanh nghiệp nào được cấp mới giấy chứng nhận, cũng không có đơn vị nào chấm dứt hoạt động hay bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán hàng đa đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 60% tổng doanh thu năm 2020.

Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (trên 80%) và mỹ phẩm (khoảng 15%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 4,44%.

Tính đến hết tháng 6/2021, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là khoảng 761.502 người, giảm 8,5% so với số lượng người tham gia bán hàng đa cấp thời điểm cuối năm 2020.

Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp năm đạt khoảng 5.009 tỷ đồng, chiếm khoảng 36,1% tổng doanh thu (chưa bao gồm VAT).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 3.172 tỷ đồng, chiếm khoảng 37,53% tổng doanh thu bán hàng đa cấp (doanh thu chưa bao gồm VAT).

Để lập “hàng rào” hiệu quả hơn chống lại các hình thức bán hàng đa cấp bất chính, Bộ Công Thương đang tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12//2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 

Theo phân tích của Bộ Công Thương, hoạt động bán hàng đa cấp có bản chất là phân phối bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chú trọng bán hàng mà tập trung xây dựng mạng lưới người tham gia và tìm các cách khác nhau để người đó mua hàng. 

Vì vậy, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới. Việc mua hàng chủ yếu để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng, không chú trọng việc đưa hàng hóa đến cộng đồng. 

Do đó, cần có chính sách, quy định cụ thể thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, đưa bán hàng đa cấp đi theo đúng bản chất của một phương thức phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. 

Do vậy, trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định: Tổng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác trên cơ sở kết quả bán hàng của người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp phải đạt tối thiểu 20% tổng số hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà người đó được hưởng từ doanh nghiệp trong 1 năm.

Ví dụ, một người tham gia hệ thống nhận được 100 triệu đồng tiền hoa hồng từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong 1 năm thì tối thiểu phải đạt được 20 triệu đồng tiền hoa hồng từ hoạt động bán hàng trực tiếp của chính người đó.

Huyền Thương

Tin mới