Hàng trăm chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams sẽ được nâng cấp lên phiên bản M1A2 SEP V3 nhằm phục vụ cho quân đội Mỹ trong tương lai, theo Army Recognition.
Xe tăng M1A1 Abrams. (Ảnh: Twitter)
Kể từ năm 2020, Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu kế hoạch tái cơ cấu lực lượng. Tất cả các tiểu đoàn xe tăng đã ngừng hoạt động và M1A1 sẽ được chuyển giao lại cho Bộ Quốc phòng.
M1A1 Abrams là dòng xe tăng chủ lực do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1985. Năm 1986, xe tăng bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Mỹ.
M1A1 có trọng lượng 57 tấn, chiều dài tổng thể bao gồm cả pháo là 9,83 m; chiều rộng 3,66 m; chiều cao 2,44 m.
Bản vẽ cấu tạo của M1A1 (Ảnh: Army Recognition)
Sử dụng động cơ tuabin khí Honeywell AGT 1500 kết hợp với hộp số tự động Allison X-1100-3B với 4 số tiến và 2 số lùi với công suất lên đến 1500 mã lực, cho phép M1A1 di chuyển với vận tốc tối đa 68 km/h, tầm hoạt động 426 km. Xe có thể tăng tốc từ 0 lên 32 km/h chỉ trong vòng 7 giây.
Vũ khí trang bị chính của M1A1 Abrams là pháo nòng trơn M256 120mm, do Rheinmetall Waffe Munition GmbH của Đức phát triển. Khẩu pháo này có thể khai hỏa chính xác vào các mục tiêu ở khoảng cách 4 km.
Các mẫu M1A1 sẽ được nâng cấp lên phiên bản M1A2 SEP V3 với những cải thiện: Tăng khả năng sống sót trước nhiều mối đe dọa; cung cấp hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số với nhiều loại đạn mới hơn.
M1A2 Abrams SEP V3 là phiên bản hiện đại hóa được giới thiệu lần đầu vào tháng 10/2015 tại triển lãm quốc phòng AUSA ở Washington DC. Nhiệm vụ chính của phiên bản này là cung cấp hỏa lực, đem lại tính cơ động và bảo đảm an ninh trên diện rộng. Abrams phải có khả năng tấn công kẻ thù trong bất kỳ tình huống nào, khả năng chiến đấu cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
M1A2 Abrams SEP V3 phiên bản mới sẽ có trọng lượng 73,6 tấn; chiều dài 9,77 m; chiều rộng 3,7 m và chiều cao 2,4 m. Xe thiết kế với kíp lái phía trước, tháp pháo ở giữa thân xe và bộ trợ lực ở phía sau. Một gói áo giáp mới được bổ sung trong tháp pháo và thân xe tăng để mang lại khả năng sống sót của binh sĩ trước nhiều mối đe dọa.
Xe vẫn sử dụng động cơ tuabin khí Honeywell AGT1500 cho phép nó di chuyển với vận tốc 68 km/h, tầm hoạt động 426 km. Điểm mới của M1A2 SEP V3 là chúng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử IED cải tiến cùng thiết bị hồng ngoại IFLIR. IFLIR sử dụng công nghệ hồng ngoại sóng dài, sóng trung trong cả tầm nhìn chính của xạ thủ và thiết bị ngắm nhiệt của chỉ huy.
M1A2 SEP V3 được trang bị gói áo giáp mới. (Ảnh: army-technology.com)
Vũ khí chính của M1A2 SEP V3 bao gồm một khẩu pháo M256 nòng trơn 120 mm và vũ khí thứ cấp được trang bị thêm là một súng máy M240 7,62 mm đồng trục được gắn bên phải của khẩu súng chính. Ở cả hai bên tháp pháo, xe tăng được trang bị súng phóng lựu khói sáu nòng, kiểu L8A1, ký hiệu M250.
M1A2 SEP V3 có thể bắn đạn pháo chống tăng động năng thế hệ thứ năm (AT) M829E4 cung cấp khả năng đánh bại giáp nặng ở phạm vi mở rộng. Nó có thể tiêu diệt các mục tiêu được trang bị ERA (Giáp phản ứng nổ tiên tiến) và APS (Hệ thống bảo vệ chủ động).