Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, mối đe dọa hủy diệt hạt nhân không nghiêm trọng bằng mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Trả lời phỏng vấn chương trình 60 phút của Australia ngày 30/7, Ngoại trưởng Blinken đã được hỏi liệu chiến tranh hạt nhân hay biến đổi khí hậu gây ra “mối đe dọa lớn hơn đối với nhân loại".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Reuters)
Ông đáp: "Tôi nghĩ khó có thể nêu ra thứ bậc. Có một số điều quan trọng bậc nhất… bao gồm cả xung đột tiềm ẩn, nhưng chắc chắn khí hậu là thách thức hiện hữu đối với tất cả chúng ta".
Ông lập luận: "Vì vậy, đối với chúng ta, đây là thách thức hiện sinh của thời đại chúng ta", song cũng nêu ra các thách thức nghiêm trọng khác đối với trật tự quốc tế như cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong bối cảnh tháng 7 được coi là tháng nóng nhất trong lịch sử, Liên hợp quốc đã kêu gọi “tăng tốc hành động” để giảm lượng khí thải carbon, bao gồm cả việc chấm dứt sử dụng than trên toàn cầu muộn nhất vào năm 2040. Đầu mùa Hè này, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đã yêu cầu một cuộc đại tu hệ thống nông nghiệp của thế giới để giảm lượng khí thải carbon từ canh tác nhằm ngăn chặn “nhiệt độ nóng thêm 0,5 độ vào giữa thế kỷ này".
Trước đó ngày 28/7, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber, đã kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo hãng thông tấn WAM của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Al Jaber, cũng là đặc phái viên của UAE về biến đổi khí hậu, đã đưa ra lời kêu gọi tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về môi trường và khí hậu bền vững G20, diễn ra tại Chennai (Ấn Độ).
Lưu ý rằng các nền kinh tế G20 chiếm tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, ông Al Jaber cho biết các quyết định của nhóm có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả nói chung. Vì vậy, ông kêu gọi các quốc gia G20 thúc đẩy hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.