Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ không vội cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine

(VTC News) -

Bất chấp sự thúc giục từ Kiev về tên lửa tầm xa ATACMS, Lầu Năm Góc nói rằng họ không có đủ vũ khí dự phòng và Ukraine không thực sự cần chúng.

Washington Post hôm 22/7 dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có kế hoạch cung cấp Hệ thống tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) cho Ukraine.

Hệ thống tên lửa Chiến thuật Lục quân ATACMS. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Chính quyền Biden ở thời điểm hiện tại vẫn giữ vững lập trường về việc từ chối gửi tên lửa tầm xa của quân đội tới Ukraine, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp Mỹ và lời thỉnh cầu từ chính phủ Kiev.

Các quan chức quốc phòng và hành chính Mỹ quen thuộc với vấn đề này nói với Washington Post rằng không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ hoặc thậm chí là bất kỳ hình thức thảo luận thực chất nào về vấn đề này trong nhiều tháng qua.

Theo các quan chức, Lầu Năm Góc tin rằng Kiev "có những nhu cầu cấp bách khác ngoài ATACMS” và lo ngại rằng việc gửi những vũ khí này tới Ukraine sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng sự sẵn sàng của Mỹ đối với các cuộc xung đột khác có thể xảy ra".

Các quan chức Ukraine đã cân nhắc và trì hoãn cuộc phản công trong nhiều tháng, tuyên bố rằng sẽ kết thúc bằng việc giành lại quyền kiểm soát tất cả các lãnh thổ đã mất vào tay Nga, bao gồm cả Crimea.

Chiến dịch đã bắt đầu vào đầu tháng 6, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ thành quả đáng kể nào. Lực lượng Ukraine đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề về nhân lực và khí tài trong đợt phản công kéo dài này.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hồi đầu tháng tuyên bố rằng Kiev đã hy vọng tiến hành phản công quân sự sớm hơn nhiều, nhưng bị cản trở do thiếu vũ khí do phương Tây cung cấp. Ông cũng phàn nàn rằng lợi thế về vũ khí tầm xa của Nga khiến cuộc phản công của Kiev trở nên khó khăn hơn.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 20/7, ông Andrey Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, một lần nữa nhấn mạnh sự cấp thiết của việc cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa cho Kiev: “Tại thời điểm này, điều đó đã trở nên rất rõ ràng và dễ hiểu. Chúng tôi rất cần và đang chờ quyết định về ATACMS”.

Tên lửa ATACMS có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km. Các quan chức trong chính quyền Biden nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ không gửi tên lửa tầm xa này tới Ukraine vì động thái như vậy có thể kích động xung đột rộng hơn nếu ATACMS được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Washington lại đồng ý cho Anh cung cấp cho Kiev một số lượng tên lửa tầm xa Storm Shadow không xác định.

Theo Washington Post, kho dự trữ ATACMS hiện tại của Lầu Năm Góc cũng rất hạn chế. Công ty quốc phòng Lockheed Martin được cho là chỉ sản xuất khoảng 4.000 tên lửa ATACMS kể từ khi bắt đầu sản xuất loại vũ khí này vào những năm 1980.

Trong đó có 900 chiếc được bán cho các đồng minh, phần còn lại được quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Phương Thảo (Nguồn: RT, TASS)

Tin mới