"Những gì đang xảy ra ở Myanmar về cơ bản là công việc nội bộ của Myanmar. Trung Quốc đang liên lạc và trao đổi với các bên ở Myanmar để thúc đẩy tình hình trở lại bình thường", đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva Trần Húc khẳng định hôm 11/2.
Tuyên bố của ông Trần được đưa ra không lâu sau khi Mỹ thông báo ban hành lệnh trừng phạt với 10 quan chức quân đội Myanmar chịu trách nhiệm vụ đảo chính hôm 1/2. Trong số này có Thống tướng Min Aung Hlaing - người hiện nắm quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp ở Myanmar và Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva Trần Húc. (Ảnh: Reuters)
Hôm 12/2, Mỹ kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia cùng nước này trong việc buộc lãnh đạo chính quyền quân sự ở Myanmar phải chịu trách nhiệm sau vụ đảo chính, trong đó có việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự Washington làm hôm 11/2.
"Chúng tôi đề nghị các nước thành viên Hội đồng Bảo an tham gia cùng Mỹ và các nước khác trong việc thúc đẩy quy trách nhiệm cho những người có liên quan về cuộc đảo chính, trong đó có việc áp đặt trừng phạt", Đại biện lâm thời Mỹ ở Geneva Mark Cassayre cho hay.
Đảo chính ở Myanmar xảy ra hôm 1/2. Cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền NLD bị quân đội bắt giữ. Những người này bị bắt với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Quân đội Myanmar sau đó ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và trao quyền lực cho Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.
Hôm 8/2, Thống tướng Aung Hlaing cam kết trao trả quyền lực sau bầu cử, đồng thời kêu gọi công chúng ưu tiên sự thật thay vì hành động theo cảm tính. Vị Tổng tư lệnh Myanmar tuyên bố ưu tiên cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có cả việc tiêm chủng cho toàn dân.
Vài ngày sau vụ đảo chính ở Myanmar, phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc - với tư cách quốc gia láng giềng thân thiện luôn muốn các bên ở Myanmar giải quyết những khác biệt một cách phù hợp.