Trong một tuyên bố hôm 10/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sát cánh với Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong việc kêu gọi chính phủ quân sự của Niger từ chức, nhấn mạnh nhu cầu ổn định chính trị và “sự gắn kết xã hội”.
“Chúng tôi nhắc lại lời lên án của ECOWAS về việc giam giữ bất hợp pháp Tổng thống Mohamed Bazoum, gia đình ông và các thành viên chính phủ trong những điều kiện không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi thả họ ngay lập tức”, ông Blinken nói, đề cập đến thông tin tổng thống bị lật đổ Bazoum cùng gia đình đang bị giam giữ trong điều kiện không có điện, nước máy và sắp cạn thực phẩm.
Ông Blinken nói thêm rằng các quan chức Mỹ hy vọng ECOWAS sẽ “khám phá tất cả các lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Vanguard)
Bình luận của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi khối Tây Phi cho biết họ sẽ bắt đầu triển khai lực lượng quân đội để can thiệp vũ trang nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum.
Phát biểu bên lề cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia ECOWAS tại Abuja hôm 10/8, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết: “Chúng tôi sẽ không loại bỏ phương án nào, kể cả việc sử dụng vũ lực như biện pháp cuối cùng. Tôi hy vọng rằng thông qua nỗ lực tập thể, chúng ta có thể mang lại một giải pháp hòa bình như một lộ trình khôi phục sự ổn định và dân chủ ở Niger”.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ vào tháng trước trong cuộc đảo chính của các chỉ huy quân sự nổi dậy. Sau đó, tướng Abdourahamane Tiani - chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống tuyến bố trở thành người lãnh đạo chính quyền quân sự.
Một số nước láng giềng của Niger đã yêu cầu khôi phục chính phủ cũ. Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara lên án việc giam giữ ông Bazoum với những điều kiện khắc nghiệt tại Dinh Tổng thống là một “hành động khủng bố”. Các quan chức ở Nigeria và Senegal cũng lặp lại những bình luận đó.
Bất chấp yêu cầu của khối khu vực, lực lượng đảo chính Niger tuyên bố sẽ “bảo vệ đất nước” trước bất kỳ cuộc tấn công nước ngoài nào. Một số quốc gia châu Phi, bao gồm Mali và Burkina Faso liên kết với chính quyền Niger, cảnh báo họ sẽ rút khỏi khối và “áp dụng các biện pháp tự vệ để hỗ trợ các lực lượng vũ trang và người dân Niger” trong trường hợp có can thiệp.
Mặc dù ECOWAS không tiết lộ quy mô của lực lượng can thiệp cũng như quốc gia thành viên nào sẽ tham gia, nhưng các quan chức phương Tây nói với AP rằng các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính Niger đe dọa sẽ trừ khử ông Bazoum nếu khối này gửi quân đến, điều này có khả năng gây nguy hiểm cho bất kỳ nỗ lực sử dụng vũ lực nào.