"Hôm nay, Mỹ lần thứ 34 chuyển cho Ukraine khoản viện trợ vũ khí trị giá 350 triệu USD. Gói hỗ trợ quân sự này bao gồm nhiều đạn dược hơn cho HIMARS và lựu pháo do Mỹ cung cấp mà Ukraine đang sử dụng để tự vệ,…”, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết.
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. (Ảnh: AFP)
Gói viện trợ quân sự này là đợt viện trợ thứ 34 mà Mỹ chuyển cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gói này bao gồm đạn dược cho hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp cho Kiev, đạn pháo 155mm, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM), tàu tuần tra và các hệ thống súng cối, chống tăng khác.
Ukraine đang có nhu cầu lớn số lượng đạn theo tiêu chuẩn NATO. Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov tuyên bố lực lượng Ukraine cần 594.000 quả đạn mỗi tháng để bắn hết công suất các khẩu súng do phương Tây chuyển giao. Ngoài số đạn do Mỹ cung cấp, ông Reznikov cũng đã yêu cầu EU cung cấp 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng.
Tại cuộc họp hôm 20/3, 18 quốc gia EU đã cam kết cung cấp một triệu quả đạn pháo này cho Ukraine trong vòng một năm, một con số ít hơn nhiều so với yêu cầu của Kiev.
Mỹ đã chi hơn 110 tỷ USD để hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Kiev, trong đó 32,5 tỷ USD dành cho quân sự kể từ tháng 2 năm ngoái.
Gần đây, các nước phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine xe tăng và nước này cũng tiếp tục kêu gọi được cung cấp máy bay chiến đấu để đẩy lùi lực lượng của Moskva.
Hôm 17/3, Slovakia đã trở thành quốc gia thứ hai cung cấp máy bay chiến đấu MIG-29 cho Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 16/3 thông báo về việc chuyển giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 vào những ngày tới cho Ukraine. Ba Lan trở thành quốc gia NATO đầu tiên cung cấp loại máy bay này cho Kiev.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.