Các nguồn tin của Politico cho biết, Lầu Năm Góc đã chuyển lô bom hạt nhân không điều khiển B61-12 (bản nâng cấp) đến các căn cứ NATO ở châu Âu sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, kế hoạch triển khai B61-12 đến châu Âu dự kiến sẽ diễn ra vào mùa xuân năm sau, nhưng kế hoạch đã được đẩy lên tháng 12/2022.
Cũng theo nguồn tin của Politico, Lầu Năm Góc đã thông báo kế hoạch này cho các đồng minh NATO trong cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ trong tháng này.
Trả lời câu hỏi của Politico về vấn đề này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder từ chối bình luận về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, nhưng nói rằng việc chuyển bom B61-12 nâng cấp đến các căn cứ NATO là một phần của kế hoạch dài hạn nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu.
Máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit của không quân Mỹ. (Ảnh: PA)
“Sự thay đổi này hoàn toàn không liên quan đến các sự kiện hiện tại ở Ukraine và không được thúc đẩy bởi bất cứ lý do nào”, tướng Ryder nói thêm.
B61 là một dòng bom hạt nhân được phát triển từ những năm 1960. Phiên bản nâng cấp được trang bị bộ phụ kiện gắn ở đuôi bom giúp nó tấn công chính xác hơn.
Bom B61 được thiết kế để triển khai từ một số máy bay ném bom của NATO, bao gồm B-2 và B-21, cũng như máy bay chiến đấu F-15, F-16, F-35 và Tornado.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh phương Tây và Moskva đang cáo buộc nhau khuấy động căng thẳng hạt nhân trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Ngày 17/10, NATO đã bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân thường niên Steadfast Noon, kéo dài đến 2 tuần. Hoạt động này có sự tham gia của 60 máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom tầm xa B-52. Ngày 26/10, Lục quân và Hải quân Mỹ đã bắn thử một tên lửa trong khuôn khổ chương trình Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) của nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã giám sát một cuộc tập trận tên lửa đạn đạo quy mô lớn cũng trong ngày 26/10. Kịch bản đặt ra diễn tập mô phỏng cách lực lượng hạt nhân chiến lược Nga đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân.