Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ đau đầu trước những câu hỏi mới về cuộc xung đột ở Ukraine

(VTC News) -

Những diễn biến gần đây ở Ukraine đã khiến chính quyền Tổng thống Biden đối mặt với những câu hỏi mới về việc hỗ trợ cho Kiev.

Washington đã duy trì sự ủng hộ ổn định cho Kiev bằng cách cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi tháng 2/2022.

Những câu hỏi mới của chính quyền Tổng thống Biden

Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang đối mặt với những câu hỏi mới về việc liệu có cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine hay không, làm thế nào giải quyết đề xuất gia nhập NATO của Ukraine và làm thế nào để đưa cuộc xung đột đi đến hồi kết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi đối mặt với một số quyết định khó khăn liên quan đến những diễn biến ở Ukraine nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ họ. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, chúng ta đối mặt với mối đe dọa trực tiếp về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra như thế", Tổng thống Biden nhận định ngày 6/10.

Tình hình ở Ukraine đã thay đổi nhanh chóng trong tháng qua. Ukraine tuyên bố nước này đã giành lại đáng kể các lãnh thổ Nga kiểm soát sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh động viên một phần, huy động 300.000 binh lính dự bị, đồng thời tuyên bố sẽ "sử dụng mọi phương tiện sẵn có" nếu nước Nga bị tấn công. Moskva cũng thúc đẩy quá trình sáp nhập 4 vùng lãnh thổ gồm: nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Kherson và Zaporizhzhia.

Còn Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa trong cuộc giao tranh với Nga. Tổng thống Zelensky cũng hối thúc các nước thành viên NATO kết nạp Ukraine để nước này nhận được sự bảo vệ lớn hơn.

Tuy nhiên, ông Aleksey Polischuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với TASS rằng, việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các vũ khí tầm xa với uy lực mạnh hơn sẽ là lằn ranh đỏ với Nga.

Mỗi diễn biến trên đều đặt ra câu hỏi mới cho chính quyền Tổng thống Biden - vốn tuyên bố ngay từ đầu cuộc xung đột rằng Nga phải bị đánh bại và tránh để xung đột leo thang sang châu Âu.

"Tôi không cho rằng mọi việc là bình thường bởi bất kỳ khi nào Tổng thống Putin cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân thì điều đó không còn bình thường nữa", ông David Kramer, cựu phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cho hay.

Về vấn đề Ukraine muốn trở thành thành viên NATO, các quan chức Mỹ khẳng định họ chưa quan tâm đến việc kết nạp Kiev vào thời điểm này. Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra, NATO cho rằng việc kết nạp Ukraine sẽ khiến liên minh này phải kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.

Vấn đề Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ cũng có nguy cơ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho chính quyền Tổng thống Biden. Tổng thống Putin coi các khu vực Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia là lãnh thổ của Nga, đồng thời cảnh báo Moskva sẽ sử dụng các phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân nếu lãnh thổ của Nga bị tấn công.

"Chúng tôi không công nhận đó là vùng lãnh thổ của Nga. Nhưng với Tổng thống Putin và một số người khác, đó là những vùng lãnh thổ mà hiện nay có thể được coi giống như St. Petersburg và Moskva", ông Brett Bruen - cựu quan chức ngoại giao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama cho hay.

"Quy tắc đặt ra rằng các vũ khí của chúng tôi sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga bởi điều đó sẽ khiêu khích Moskva, có thể sẽ cần xem xét thêm", quan chức này bình luận.

Ông Bruen cũng cho biết, Tổng thống Biden đang đối mặt với những câu hỏi về việc Mỹ có thể làm gì để tạo điều kiện chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Các quan chức Mỹ tuyên bố, Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột vào bất kỳ thời điểm nào họ muốn bằng cách rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Kiên định lập trường trong một số vấn đề

Bản thân Tổng thống Biden đã thừa nhận những tuyên bố của phía Nga đang khiến tình hình trở nên phức tạp. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng hầu như có rất ít lý do để chính quyền Tổng thống Biden đi chệch hướng so với kế hoạch ban đầu.

"Tôi không nghĩ điều này sẽ làm phức tạp suy nghĩ của họ bởi họ luôn cam kết hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng", ông Mark Cancian, cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá.

Mỹ đã cam kết hơn 17,5 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine kể từ hồi tháng 1, trong đó bao gồm 16,8 tỷ USD từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng 2.

Tổng thống Biden vẫn giữ vững quan điểm trong một số vấn đề, đáng chú ý nhất là việc Mỹ sẽ không đưa quân tới Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định sẽ tránh tấn công vào sâu trong biên giới Nga và đảm bảo sẽ không có quyết định nào được đưa ra về Ukraine mà không có sự tham vấn lãnh đạo nước này.

Kiều Anh (VOV.VN)

Tin mới