Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ dần bất lực trước chiến lược phòng thủ A2/AD của Trung Quốc?

(VTC News) -

Đến một lúc nào đó, Mỹ sẽ nhận ra rằng các hình thức thể hiện sức mạnh truyền thống của mình đã trở nên vô dụng ở các khu vực gần bờ biển Trung Quốc.

Theo National Interest, Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội, trong đó tập trung xây dựng các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), với mục tiêu đẩy Mỹ ra xa khỏi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với ba tàu sân bay hiện có, Trung Quốc đặt mục tiêu thống trị vùng biển khu vực và sử dụng tàu sân bay làm trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tác chiến trong tương lai.

Các tàu sân bay của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức A2/AD tương tự từ Mỹ. Bởi Washington đã thiết lập một mạng lưới A2/AD mạnh mẽ ở Tây Bán Cầu, nhằm chuẩn bị cho những thách thức mà Hải quân Trung Quốc gây ra trong tương lai.

Quân đội Trung Quốc đã tích cực hiện đại hóa trong suốt hơn một thập kỷ qua. Bắc Kinh đã thực hiện hai chiến lược quan trọng trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự. Đầu tiên là xây dựng một kho vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mạnh mẽ và phân phối những vũ khí đó trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Sự lớn mạnh của Trung Quốc

Trên thực tế, không chỉ đầu tư vào mỗi A2/AD mà Trung Quốc còn dành nhiều nguồn lực phát triển vũ khí công nghệ cao. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tính theo GDP) đã chi mạnh tay cho vũ khí không gian, khả năng chiến tranh mạng và nhiều tài sản chiến lược khác, tất cả đều được thiết kế để thực hiện một mục đích: ngăn chặn Mỹ triển khai lực lượng vào các vùng gần biên giới Trung Quốc. 

Sau khi Trung Quốc từ chối cho Quân đội Mỹ tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã có kế hoạch triển khai hạm đội tàu sân bay đang phát triển của mình, để tăng cường sự kiểm soát trên Biển Đông. 

Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hiện sở hữu ba tàu sân bay. Hai tàu sân bay đầu tiên có trọng tải 60.000 tấn và dựa trên thiết kế cũ của Liên Xô. Tàu sân bay thứ ba, Phúc Kiến có trọng tải 80.000 tấn, được Trung Quốc thiết kế và chế tạo trong nước.

Hơn nữa, tàu Phúc Kiến còn được tích hợp các công nghệ mới, như hệ thống máy phóng điện từ EMALS (được sao chép từ Mỹ thông qua hoạt động gián điệp công nghiệp). Những công nghệ mới này đã giúp tàu Phúc Kiến trở thành một trong những tàu sân bay tiên tiến nhất, bên ngoài thế giới phương Tây. 

Trên thực tế, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc là một thế lực đáng kể trong khu vực và được xem đối thủ thực sự của các lớp tàu sân bay Mỹ và Anh.

Tên lửa đạn đạo DF-26, một phương tiện quan trọng trong hệ thống phòng thủ A2/AD của Trung Quốc.

Năm 2012, cựu Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào từng tuyên bố, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ trở thành một cường quốc hàng hải theo đúng nghĩa”. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên A2/AD, làm thế nào hải quân Trung Quốc có thể tránh được những phức tạp tương tự như cách mà họ gây ra cho các tàu sân bay của Mỹ?

Logic của Bắc Kinh rất đơn giản. Khi người Mỹ bị hệ thống A2/AD của Trung Quốc đẩy lùi, họ sẽ có toàn quyền kiểm soát Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. 

Trung Quốc thậm chí có thể kiểm soát cả biển Hoàng Hải và biển Nhật Bản, mặc dù điều đó khó có thể xảy ra, xét đến sự hiện diện quân sự của Hàn Quốc ở biển Hoàng Hải và sự hiện diện của Nhật Bản ở vùng biển Nhật Bản. Học thuyết của hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng hạm đội tàu sân bay như các trung tâm chỉ huy nổi, đặc biệt trong tình huống nổ ra xung đột với Đài Loan.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông.

Lời cảnh báo cho nước Mỹ

Quy mô và phạm vi hoạt động của lực lượng tàu sân bay Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào những chiến lược và tham vọng của giới lãnh đạo nước này. Điều thú vị là Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự, như hạm đội tàu sân bay Mỹ đang phải đối mặt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hệ thống phòng thủ A2/AD của Mỹ sẽ là trở ngại lớn đối với hải quân Trung Quốc, nếu như họ cố gắng vượt qua chuỗi đảo thứ ba ở Thái Bình Dương và thâm nhập sâu hơn vào vùng biển ở tây bán cầu.

Để ngăn cản nỗ lực của Trung Quốc, Washington nên nghiêm túc hơn với khái niệm phòng thủ bán cầu. Thay vì xây dựng những tàu sân bay đắt tiền hơn, Quân đội Mỹ nên xây dựng một mạng lưới hệ thống A2/AD toàn diện ở Tây Bán Cầu, để có thể ngăn chặn hạm đội tàu sân bay đang phát triển của Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, có một điều cần phải hiểu rõ rằng, chiến lược phòng thủ A2/AD của Trung Quốc đang ngày càng tạo ra mối đe dọa quân sự đáng kể đối với Mỹ. Đến một lúc nào đó, Mỹ sẽ nhận ra các hình thức thể hiện sức mạnh truyền thống của họ, đã trở nên vô dụng ở các khu vực gần bờ biển Trung Quốc. 

Theo thời gian, mục tiêu của lực lượng Trung Quốc cũng sẽ thay đổi đáng kể từ việc ngăn chặn Quân đội Mỹ tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sang xâm nhập vào những vùng biển gần lãnh thổ của Mỹ hơn. 

Chẳng bao lâu nữa, Mỹ sẽ thấy mình đang sống trong một khu vực tranh chấp, với các tàu chiến Trung Quốc rảo bước trên vùng biển ngay ngoài khơi bờ biển Mỹ và khắp tây bán cầu. Đã đến lúc Mỹ bắt đầu thực hiện một kế hoạch phòng thủ toàn diện.

Lê Hưng (Nguồn: National Interest)

Tin mới