Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng phòng không Nga bắn hạ 2 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất hôm 24/10. Moskva nhiều lần tuyên bố sẽ phá huỷ tên lửa này trên chiến trường.
Tuyên bố của Nga được đưa ra sau khi Mỹ thông báo chuyển giao tên lửa ATACMS cho Ukraine, có tầm bắn lên tới 165km. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev sẽ thường xuyên nhận được tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp.
Ukraine đã ra mắt tên lửa ATACMS trong cuộc tấn công vào các căn cứ không quân của Nga hồi đầu tháng này. Ukraine nhắm mục tiêu vào các cơ sở ở thành phố Berdiansk thuộc miền nam Ukraine, ở Zaporizhzhia và Lugansk thuộc miền đông Ukraine.
Tên lửa tầm xa ATACMS. (Ảnh: Getty)
Trong đợt tấn công bằng ATACMS, lực lượng quân sự Ukraine cho biết Kiev đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga cũng như một số thiết bị khác bao gồm kho đạn dược, bệ phóng phòng không và đường băng tại các cơ sở này. Sau cuộc tấn công, các báo cáo tình báo nguồn mở cho rằng Ukraine có thể đã làm hư hại tới 21 máy bay trực thăng của Nga .
"ATACMS đã phát huy tác dụng", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, xác nhận Kiev tiếp nhận vũ khí tầm xa Mỹ.
Tuần trước, ông Volodymyr Omelyan, cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine nói rằng tên lửa là "nhân tố thay đổi cục diện", giúp Kiev giành lợi thế trong xung đột với Nga.
Tuy nhiên, Phillips Payson O'Brien - nhà sử học và giáo sư nghiên cứu chiến lược của Mỹ cho rằng, việc Mỹ cung cấp ATACMS cho Ukraine được xem là "thất bại" vì sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev không đáp ứng được nhu cầu chiến thuật của lực lượng vũ trang nước này trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.
Theo chuyên gia Phillips Payson O'Brien, Ukraine cần số vũ khí tầm xa lớn hơn để đối phó với Nga. Ông nhấn mạnh số tên lửa tầm xa ATACMS Mỹ chuyển cho Ukraine là ít và muộn so với nhu cầu của Kiev.
"Nga đã có thời gian để phản ứng. Đó là một thất bại", giáo sư Phillips Payson O'Brien nói, cho rằng Mỹ gửi tên lửa tầm xa đến Kiev muộn sẽ làm giảm yếu tố bất ngờ trong các cuộc tấn công của Ukraine.
Các nhà phân tích phương Tây và quan chức Ukraine cũng cho rằng bất ngờ là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các cuộc tấn công.
Washington miễn cưỡng cam kết cung cấp cho Kiev các hệ thống này từ sớm, mặc dù Vương quốc Anh và Pháp đã nhanh chóng chuyển giao tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP tầm xa phóng từ trên không.
Tờ New York Times cho biết, Mỹ đã gửi khoảng 20 tên lửa ATACMS cho Kiev. ATACMS có nhiều phiên bản khác nhau với tầm bắn từ 160km đến 350km. Tờ Wall Street Journal đưa tin, phiên bản ATACMS được trao cho Ukraine có tầm bắn khoảng 160km, xa hơn gấp đôi so với số vũ khí mà Mỹ đã gửi trước đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nước phương Tây như Mỹ cung cấp viện trợ quân sự nhỏ giọt cho Ukraine, gửi số lượng hạn chế vũ khí cần thiết muộn hơn nhiều so với những gì Ukraine yêu cầu.
Ngoài tên lửa ATACMS, Mỹ còn gửi 31 xe tăng Abrams đến Kiev. Thế nhưng, Marina Miron, nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, trường King's College London, Vương quốc Anh, nói rằng Ukraine cần nhiều hơn thế.
“Chắc chắn, chúng tôi cần nhiều hơn nữa”, Oleksiy Goncharenko, thành viên quốc hội Ukraine, cho hay. Ông nói, ATACMS đến nay đã cho thấy "hiệu quả", song hàng chục tên lửa không làm thay đổi đáng kể năng lực quân sự của Ukraine.
“Chúng tôi cần hàng trăm chiếc”, ông Oleksiy Goncharenko nói và cho biết thêm rằng việc cung cấp vũ khí nhỏ giọt từ các bên hỗ trợ khiến Kiev gặp khó trong đối phó Nga.
ATACMS chắc chắn sẽ hữu ích cho Ukraine khi nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Nga như sân bay, thay vì các mục tiêu kiên cố.
Việc Ukraine sở hữu vũ khí tầm xa sẽ khiến Nga phải suy nghĩ kỹ hơn về vị trí đặt các tài sản và thiết bị quân sự quan trọng của nước này cũng như việc tung các loại vũ khí này tiền tuyến.
Mỹ gửi hơn 40 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái. Kho vũ khí do Mỹ cung cấp đã mở rộng về quy mô và phạm vi theo thời gian, từ vũ khí hạng nhẹ và tên lửa chống tăng cho đến xe tăng chiến đấu Abrams tiên tiến - dự kiến sẽ được giao vào mùa thu này.
ATACMS có nhiều phiên bản khác nhau với tầm bắn từ 160km đến 350km. Phiên bản ATACMS mà Mỹ chuyển cho Ukraine có tầm bắn khoảng 160km, xa hơn gấp đôi so với số vũ khí mà Mỹ đã gửi trước đó. Chính quyền Mỹ từng lưỡng lự khi viện trợ ATACMS cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột.
Các quan chức Nga chỉ trích gay gắt động thái của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moskva có các phương tiện để đánh chặn ATACMS và việc chuyển giao này sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình của các hoạt động quân sự đặc biệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi động thái của Mỹ là “sai lầm” sẽ “tạo thêm mối đe dọa”. Tuy nhiên, ông Putin tuyên bố quân đội Nga “sẽ đẩy lùi” ATACMS và các loại vũ khí này sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường .