Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cho biết hôm 29/1: "Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của Hải quân và Không quân Quân Giải phóng Nhân dân (Trung Quốc), và họ hoàn toàn không gây ra mối đe dọa đối với tàu, máy bay hoặc thủy thủ của Hải quân Mỹ".
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết máy bay Trung Quốc không bay vào phạm vi 460 km xung quanh các tàu hải quân Mỹ, theo Reuters.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng hồi tháng 3/2020. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, Đài Loan cho biết một số máy bay Trung Quốc đi vào góc tây nam vùng nhận dạng phòng không của họ vào cuối tuần trước, gần quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát. Chúng bao gồm các chiến đấu cơ và máy bay ném bom H-6 có khả năng mang hạt nhân.
Các nguồn tin ngoại giao và an ninh khu vực cho biết lực lượng không quân của Trung Quốc được triển khai từ giữa sáng 23/1, trùng với thời điểm nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi qua phía nam Pratas.
Các nguồn tin nói Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng hoạt động tấn công tàu sân bay.
"Họ cố tình tiến hành các cuộc tập trận khi tàu sân bay Mỹ đang đi qua eo biển Ba Sĩ", một nguồn tin cho biết, đề cập đến khu vực biển ngăn cách Đài Loan và Philippines. "Việc đó không chỉ là để cho Đài Loan thấy. Quan trọng nhất, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề Biển Đông: họ muốn ngăn chặn quân đội Mỹ tiến vào Biển Đông. Trung Quốc muốn giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương".
Hôm 28/1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đe dọa Đài Loan rằng "độc lập đồng nghĩa với chiến tranh". Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo ly khai là một tỉnh của mình và chưa bao giờ loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực.
Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các "hoạt động tự do hàng hải" gần một số đảo, đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, khẳng định quyền tự do tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế.