Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ bắt đầu hành động sau chính biến Myanmar

(VTC News) -

Chính phủ Mỹ hôm 2/2 cho biết đang làm việc với Nhật Bản và Ấn Độ để gây áp lực lên quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính.

Nhưng họ chưa thể liên lạc với các quan chức bị bắt giữ, bao gồm bà Aung San Suu Kyi.

“Theo chúng tôi hiểu thì hầu hết các quan chức cấp cao đều đang bị quản thúc tại gia, cùng với ban lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng như một số nhân vật chính quyền khu vực và nhân vật xã hội dân sự, nhưng chúng tôi chưa thể tiếp cận họ”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Quan chức này nói thêm: “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng của mình trong khu vực. Chúng tôi đang có các cuộc trò chuyện liên tục hàng ngày với Nhật Bản, Ấn Độ và đánh giá cao việc một số quốc gia khác có liên hệ tốt hơn với quân đội Myanmar so với chúng tôi, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại đó".

Mỹ chưa thể liên lạc với bà Aung San Suu Kyi. (Ảnh: EPA)

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric hôm 2/2 cũng cho biết không liên lạc được với bà Suu Kyi và các đồng minh chính trị của bà.

Theo Dujarric, Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar, “đã cố gắng xây dựng mạng lưới những người đối thoại thường xuyên của bà ở nước này, và theo tôi biết thì điều đó chưa thành công 100%”, Dujarric nói. Ông nói thêm, đặc phái viên đã liên lạc với giới lãnh đạo quân đội một ngày trước khi việc tiếp quản quyền lực xảy ra.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác định chính biến tại Myanmar là cuộc đảo chính của quân đội chống lại chính phủ do NLD lãnh đạo và bắt giam bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Điều này đã kích hoạt các lệnh trừng phạt và hạn chế hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar. Nhưng quan chức bộ thừa nhận rằng các biện pháp này không tạo ra nhiều ảnh hưởng vì vốn các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với nhiều sĩ quan quân đội.

Năm 2019, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, bao gồm cả Thống tướng Min Aung Hlaing - theo Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu - vì cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Rohingya và các dân tộc thiểu số khác ở nước này.

Ông Min Aung Hlaing thay thế bà Suu Kyi hôm 1/2 với tư cách là nhà lãnh đạo của Myanmar sau khi cáo buộc có những bất thường trong cuộc bầu cử vào tháng 11 mà đảng của bà giành chiến thắng.

“Chế độ trừng phạt hiện tại mà chúng tôi đang áp dụng, bao gồm các lệnh trừng phạt Magnitsky toàn cầu mà tôi đã đề cập, cộng với các biện pháp trừng phạt khác về vi phạm nhân quyền, có nghĩa là chúng tôi có rất ít hoặc không có liên hệ trực tiếp hay làm việc với quân đội Myanmar”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

(Ảnh: Getty)

Tuy nhiên bà nói thêm rằng việc hỗ trợ nhân đạo cho người Rohingya sẽ không bị dừng lại.

Khi được hỏi về vai trò của Trung Quốc trong cuộc đảo chính hoặc việc liên lạc với Bắc Kinh, bà không đưa ra bình luận.

Theo một số chuyên gia, Trung Quốc có thể chưa hành động ngay vì có mối quan hệ gần gũi với cả hai phía trong cuộc đảo chính. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 2/2 chỉ gọi diễn biến ở Myanmar là một cuộc “cải tổ nội các”.

Bắc Kinh kiềm chế chỉ trích chính phủ Myanmar khi cuộc khủng hoảng Rohingya leo thang trong những năm gần đây và tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước này. Nhưng vẫn phải xem liệu cuộc đảo chính tuần này có mang lại lợi ích cho Trung Quốc hay không, các chuyên gia chỉ ra.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi đó dự kiến ​​sẽ tranh luận về cách ứng phó với tình hình ở Myanmar, nhưng chi tiết chưa được công bố.

Anh, hiện đứng đầu Hội đồng Bảo an, kêu gọi cơ quan này bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước tình trạng khẩn cấp do quân đội Myanmar áp đặt vào ngày 1/2 và việc giam giữ các thành viên của chính phủ dân sự được bầu hợp pháp” và “lên án quân đội đảo chính”, theo POLITICO, trích dẫn một văn bản đề xuất dự thảo.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 1/2 đã tuyên bố diễn biến là “một đòn nghiêm trọng đối với cải cách dân chủ”.

Phương Anh

Tin mới