Sau giai đoạn hoàng kim của Sir Alex Ferguson, định danh mang tên "bản sắc Man Utd" đang nhạt dần theo thời gian.
Thành tích nghèo nàn chỉ là một phần, bởi không đội bóng nào có thể đứng mãi trên đỉnh cao. Sau chức vô địch Champions League 2001/2002, Real Madrid chìm vào màn đêm suốt 12 năm, mới có danh hiệu thứ 10 ở đấu trường danh giá nhất châu Âu. Bayern Munich, Barcelona, Juventus,... đều không tránh khỏi quy luật thịnh - suy khắc nghiệt.
Tuy nhiên, một đội bóng mờ nhạt, chơi bóng lờ nhờ, thiếu định hướng mới là điều khiến cổ động viên Man Utd thất vọng hơn cả. Nửa đỏ thành Manchester từ lâu không còn cầu thủ nào là ngôi sao đúng nghĩa, không có một cá tính đủ lớn để vực dậy tập thể. Hy vọng chỉ được sống dậy vào mùa hè 2021, khi Cristiano Ronaldo trở lại Old Trafford.
Ronaldo có cái tôi cực lớn.
Cái tôi ngạo mạn của Ronaldo - một biểu tượng thể thao toàn cầu đương đại, là điều kiện cần để thúc đẩy dòng máu Quỷ đỏ cuộc chảy trở lại, nhưng có một cầu thủ như Ronaldo luôn là con dao hai lưỡi.
Thủ môn Gianluigi Buffon từng ám chỉ Ronaldo khiến phòng thay đồ Juventus mất đoàn kết. Đó là lưỡi dao còn lại của một ngôi sao lớn như CR7. Nếu không thể kiểm soát Ronaldo, Man Utd sẽ phải trả giá.
"Quả bom" CR7
"Tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi của Mason Greenwood, Marcus Rashford hay Jadon Sancho khi đá cạnh Ronaldo. Họ không dám sút, mà chỉ cố tìm cách chuyền bóng thật nhanh cho Ronaldo. Cậu ấy khiến các đồng đội trẻ nhụt chí", cựu tiền đạo Gabriel Agbonlahor chia sẻ.
Theo cây bút Oliver Holt của Sky Sports, ban đầu HLV Ole Solskjaer không có ý định chiêu mộ Ronaldo. Kế hoạch của nhà cầm quân người Na Uy là xây dựng đội bóng dựa trên những nhân tố trẻ như Rashford, Greenwood và Anthony Martial.
Mùa 2020/2021, Man Utd về nhì ở Ngoại hạng Anh nhờ lối chơi phản công tốc độ và hiệu quả. Jadon Sancho là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện cách đá này. Solskjaer muốn Man Utd có dòng máu trẻ, chơi thứ bóng đá rình rập, nhưng không kém phần tốc độ và lôi cuốn.
Ronaldo đang thúc đẩy hay cản trở Man Utd?
Cho đến khi Ronaldo xuất hiện. "Cậu ấy phá hủy kế hoạch của Solskjaer, khiến Man Utd đánh mất vị thế ứng viên vô địch", Oliver Holt phân tích. "Ronaldo không thuộc về trường phái phòng ngự phản công. Man Utd phải thay đổi khi Ronaldo đến".
Quả thực, Ronaldo vẫn ghi bàn. Siêu sao người Bồ Đào Nha có 14 bàn thắng sau lượt đi, tốt nhất CLB. Nhưng đổi lại, Bruno Fernandes, Rashford, Greenwood hay Sancho đều mờ nhạt. Man Utd tất nhiên mất luôn vị thế đua vô địch, còn Solskjaer bị sa thải khi kế hoạch tái thiết CLB còn dang dở.
HLV Ralf Rangnick được bổ nhiệm thay thế. Nhà cầm quân người Đức đề ra 2 nguyên tắc: tập thể trên hết và thành công cần phải có thời gian để tìm kiếm. Cả hai đều xung khắc trực tiếp với Ronaldo.
Ở nguyên tắc đầu, HLV Rangnick yêu cầu học trò không được có thái độ tiêu cực như vung tay bất mãn, cáu gắt với nhau trên sân. Đó là lời nhắn nhủ đến riêng Ronaldo.
Ở nguyên tắc thứ hai, ông cố gắng xây dựng sơ đồ 4-2-2-2 và áp dụng triết lý gegen-pressing trứ danh, nhưng lối chơi này không mang lại hiệu quả tức thì. Là cầu thủ khao khát chiến thắng, Ronaldo không chấp nhận điều này. Siêu sao người Bồ Đào Nha liên hệ với người đại diện Jorge Mendes, được cho là để tìm đường ra đi.
Ronaldo khó chịu với HLV Rangnick khi bị rút khỏi sân.
Tiền đạo 36 tuổi chỉ ghi 3 bàn sau 1 tháng Rangnick nắm quyền. Trong sơ đồ 2 tiền đạo, Ronaldo không còn sắm vai trung tâm, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ như khi Solskjaer còn huấn luyện.
Theo báo giới Anh, Rangnick và Ronaldo tạo ra sự chia rẽ lớn trong nội bộ Quỷ đỏ. Sau trận gặp West Ham, Ronaldo được cho là không hài lòng với Mason Greenwood và Harry Maguire. Anh vùng vằng, giận dỗi khi bị thay ra ở trận gặp Brentford. Ronaldo nói Man Utd thiếu tham vọng, anh chỉ trích tất cả và nói đội bóng phải xóa bỏ vài thứ để làm lại.
Ronaldo như một quả bom nổ chậm. Việc của Rangnick là không được để lửa bén vào ngòi nổ, nếu không muốn Man Utd lại rơi vào hỗn loạn.
Bài toán của Rangnick
HLV Ralf Rangnick phải lên tận ghế dự bị, lý giải cho Ronaldo tại sao học trò bị thay ra. "Tôi nói với Ronaldo rằng khi ấy Man Utd đang cần bảo vệ tỷ số và chúng tôi không thể mạo hiểm. Ronaldo ra sân, nhường chỗ cho một tiền đạo trẻ (Rashford) và cậu ấy đã ghi bàn. Khi nào làm HLV, Ronaldo sẽ hiểu cho cái khó của tôi", Rangnick nói.
Đó là lựa chọn ứng xử của Rangnick với Ronaldo. Ông cứng rắn, sẵn sàng rút CR7 khỏi sân để đảm bảo kết quả, nhưng cũng mềm mỏng, xoa dịu cơn giận của học trò khi cần.
Rangnick giải thích cho Ronaldo lý do thay người.
Nếu người bị thay ra là Greenwood hay Rashford, không có chuyện Rangnick phải "xuống nước". Cựu HLV Schalke 04 hiểu Ronaldo là một thiên tài, mà thiên tài thì cần biệt đãi.
Suốt sự nghiệp thi đấu, nếu không tính Sir Alex Ferguson, chỉ có 2 HLV thực sự thu phục được Ronaldo. Đó là Carlo Ancelotti, người mềm dẻo, khéo léo trong giao tiếp và biết cách chiều học trò. Người còn lại là Zinedine Zidane, người không chỉ "thuần phục" được cái tôi trời bể của Ronaldo để duy trì sức mạnh tập thể, mà còn được học trò nể trọng.
Cả hai đều vô địch Champions League, mở ra 5 năm thành công rực rỡ của Real Madrid.
Rangnick không phải mẫu HLV giỏi chăm bẵm ngôi sao, giỏi giao tiếp và quản trị như Ancelotti. Ông cũng chẳng phải siêu sao ngày còn thi đấu để có sẵn sự vị nể của học trò. Suốt 30 năm huấn luyện, Rangnick chỉ làm việc ở những đội bóng vừa phải, trong môi trường đề cao kỷ luật như ở Đức.
"Rangnick chỉ giỏi làm việc với những cầu thủ trẻ vô danh, hoặc bị hắt hủi ở CLB khác. Họ về đấy, sẵn sàng lắng nghe Rangnick với sự thích thú và khát vọng vô biên", Daily Mail đánh giá. Rangnick chưa từng làm việc với Ronaldo, còn Ronaldo cũng chưa gặp HLV nào kiểu Rangnick. Một nhà sư phạm bóng đá cứng rắn và khô khan.
Việc Rangnick có thể bảo ban Ronaldo hay không sẽ quyết định thành bại của Quỷ đỏ mùa này.