Ông Ngân cho rằng, hiện nay, biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Bởi vậy, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 không thể tách rời mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
VTC News có cuộc phỏng vấn cùng Tiến sĩ - Chuyên gia Kinh tế Trần Hoàng Ngân về cơ hội, thách thức với Việt Nam trên con đường chinh phục mục tiêu này.
- “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển, phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Từ góc nhìn chuyên gia, ông đánh giá thế nào về tiềm lực kinh tế biển của Việt Nam?
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế biển, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2045.
ĐBQH - Tiến sĩ kinh tế Trần Hoàng Ngân.
Tôi nghĩ mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở.
Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn một triệu km2, với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhờ vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển.
Tính đến nay, cả nước đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249 ha, thu hút khoảng 700 dự án do nước ngoài và trong nước đầu tư, với tổng số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Số dân cư sống ở các vùng ven biển tăng lên rất nhanh, bao gồm hàng triệu người làm nghề vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, chế biến thủy sản, dầu khí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Nhiều thị trấn, thị tứ, khu nghỉ dưỡng đã hình thành dọc theo chiều dài ven biển của đất nước.
Với những tiềm lực này, Việt Nam đã có điều kiện ‘cần’ để phát triển kinh tế biển.
Các ngành kinh tế biển của Việt Nam cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế xanh.
Tiến sĩ kinh tế Trần Hoàng Ngân
- Tiềm lực rõ ràng là thế, nhưng việc phát triển kinh tế biển phải được nhìn nhận trong không gian 3 chiều: mặt biển, đáy biển, không gian trên biển. Ông đánh giá thế nào về những kết quả ban đầu trong lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam thời gian qua?
Mặc dù những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ, nhưng quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức. Hàng loạt tồn tại khiến dư luận lo lắng như ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ. Ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách. Đáng lo ngại, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm. Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức. Công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế. Đồng thời, ta chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.
Nói tóm lại, đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có.
- Nếu so với các nước khác, kinh tế biển Việt Nam đang ở đâu?
Quy mô kinh tế biển của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước 1.300 tỷ USD. Lấy ví dụ điển hình hai nước ở châu Á thì Nhật Bản là 468 tỷ USD và Hàn Quốc là 33 tỷ USD.
Trong khi đó, các chỉ tiêu hàng hoá thông qua cảng trên đầu người chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.
Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22%.
Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.
Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo tuy đã được quan tâm đầu tư mới nhưng còn yếu kém. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp.
Ông Trần Hoàng Ngân đánh giá, biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế.
- Phát triển kinh tế biển đã khó, nhưng phát triển kinh tế biển bền vững, lâu dài còn khó hơn. Theo ông, Việt Nam cần phải đặt ra những chiến lược lâu dài như thế nào về kinh tế biển, để thực sự là quốc gia biển mạnh?
Tôi cho rằng, chúng ta cần kiến tạo kinh tế biển xanh. Để đạt được những mục tiêu này, các ngành kinh tế biển của Việt Nam cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền.
Đồng thời, phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (Năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển), từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển cùng với việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống như: Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; Nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; Công nghiệp đóng tàu.
Việt Nam cần đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích có được trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển bằng các quy định pháp luật theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích các hoạt động ngành, đồng thời, đảm bảo tài nguyên biển được khai thác hợp lý, tiết kiệm. Các tài nguyên tái tạo không bị khai thác quá mức để duy trì khả năng tái tạo. Môi trường và các hệ sinh thái biển được bảo vệ, bảo tồn, thậm chí được cải thiện, khôi phục lại. Đặc biệt, khoa học, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Thách thức lớn nhất đối với kinh tế biển Việt Nam đang là gì, thưa ông?
Vẫn còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển, nhưng hạn chế lớn nhất là chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển. Đầu tư cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhất là công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân đang sinh sống tại các khu vực ven biển.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay.
Chúng ta cần tạo ra “Thương hiệu biển Việt Nam”. Muốn thế, các cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm đến mức thấp nhất các tác động do biến đổi gây ra. Đồng thời, tăng cường năng lực giám sát, quan trắc, kéo giảm và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo một cách chủ động và hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!