Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Muôn kiểu ngụy trang độc, lạ của Nga và Ukraine nhằm đánh lừa đối phương

Kể từ khi xung đột nổ ra, Nga và Ukraine được cho là áp dụng chiến thuật nghi binh hay chiến thuật đánh lừa để chống lại các cuộc tấn công của đối phương.

Thiết bị được cho là "ngôi nhà xe tăng" di động chạy băng băng trên chiến trường. (Nguồn: Twitter)

Chiến thuật đánh lừa đối thủ là một trong những chiến thuật vô cùng quan trọng trong các cuộc giao tranh. Xuyên suốt lịch sử, quân đội các nước chế tạo ra những hình nộm binh lính, xe tăng, máy bay và các hệ thống pháo, hoặc ngụy trang bằng cành cây để gây nhầm lẫn cho đối phương. Nga và Ukraine được cho là đã áp dụng rộng rãi chiến thuật này trong suốt cuộc xung đột kéo dài 15 tháng.  

“Ngôi nhà xe tăng” chạy băng băng trên chiến trường

Một số video được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian gần đây cho thấy, Ukraine đã nâng cấp chiến thuật này lên một mức độ mới khiến đối phương rất khó phát hiện.

Video đăng tải trên Twitter cho thấy cảnh tượng một ngôi nhà đang di chuyển giữa cánh đồng xanh tốt. Nhiều người cho rằng, đây có thể là một chiếc xe tăng hoặc một số phương tiện chiến đấu được ngụy trang giống ngôi nhà để đánh lừa quân đội Nga.

Đoạn video này dài khoảng 15 giây, được cho là quay ở Bakhmut. Một số người sử dụng mạng xã hội đã dự đoán kịch bản Ukraine có thể triển khai cả một tiểu đoàn xe tăng ngụy trang dưới vỏ bọc những ngôi nhà để nhanh chóng tiếp cận các vị trí của Nga.

Video xuất hiện vào thời điểm các lực lượng Ukraine đang huy động nhiều loại xe tăng, trong đó có cả xe tăng Leopard-2 và xe chiến đấu bộ binh để phản công Nga. Tuần trước Bộ Quốc phòng Nga đăng tải video trực thăng của họ phá hủy một xe tăng Leopard. Qua phân tích video, các nhà quan sát độc lập sau đó cho rằng Nga đã tấn công máy kéo và các thiết bị nông nghiệp khác. Nhưng đến ngày 8/6, một số binh sỹ Ukraine thừa nhận nước này đã mất ít nhất một chiếc Leopard 2A6.

Các chuyên gia quân sự nhận định, trong một cuộc xung đột, phòng thủ luôn dễ dàng hơn tấn công. Nga có lợi thế của bên phòng thủ và điều này khiến vũ khí, phương tiện của Ukraine có nguy cơ hứng chịu hỏa lực của đối phương. Đó là lý do Ukraine phải tìm cách ngụy trang các phương tiện chiến đấu của họ.

Hình nộm, mồi nhử và thiết bị mô phỏng

Để hạn chế nguy cơ các tổ hợp pháo HIMARS bị tập kích, Ukraine đã sử dụng mô hình gỗ hoặc thiết bị bơm hơi có hình dạng giống hệ thống này. Kiev cũng áp dụng cách thức tương tự nhằm bảo vệ nhiều phương tiện chiến đấu khác.

Một số phương tiện truyền thông tiết lộ Ukraine đã bố trí các hình nộm HIMARS ở những nơi mà thiết bị trinh sát của Nga dễ phát hiện và tấn công, khiến đối phương lãng phí nhiều tên lửa có độ chính xác cao. Một quan chức Ukraine nói rằng khi UAV Nga phát hiện dấu vết của khẩu đội HIMARS, họ sẽ coi đó là mục tiêu hàng đầu. Những UAV này sau đó sẽ truyền thông tin mục tiêu về trung tâm chỉ huy và trung tâm sẽ phát lệnh tấn công.

Nga từng tuyên bố phá hủy một số tổ hợp HIMARS của Ukraine vào năm 2022. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine thời gian gần đây cho biết, 18 hệ thống HIMARS mà họ tiếp nhận của phương Tây vẫn còn nguyên vẹn và đang được cất giữ trong các boong-ke hạt nhân xây dưng từ thời Liên Xô để tránh các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc UAV.

Về phần mình, Nga cũng tìm cách sử dụng mồi nhử để qua mắt quân đội Ukraine. Nhiều hình ảnh và video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy Nga đã sử dụng hình nộm hệ thống tên lửa phòng không ở mặt trận. Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine cho rằng “Nga đã đưa ra chiến trường một số lượng lớn mô hình giống các hệ thống phòng không Buk-M1, Buk-M2, Tor, Pantsyr, S-300 và S-400”.

Dùng lưới ngụy trang

Do các phương tiện quân sự và hệ thống vũ khí hạng nặng có thể dễ dàng trở thành “con mồi” của UAV trinh sát và tấn công, nên hai bên đã ngụy trang các loại vũ khí của mình bằng cả những vật liệu truyền lẫn hiện đại.

Chẳng hạn, Ukraine đã trang bị cho xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng, thậm chí là vũ khí di động bằng dây điện hoặc lưới ngụy trang để bẫy máy bay không người lái trước khi chúng tiếp cận mục tiêu. Điều này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng UAV cảm tử của Nga, chẳng hạn như UAV Lancet luôn bay lảng vảng trên chiến trường để tìm kiếm và phá hủy thiết bị của Ukraine trên tiền tuyến.

Bức ảnh xe chiến đấu M2A2 Bradley trong màu sơn camo ở Ukraine.

Thay đổi màu sơn của phương tiện

Ngoài sử dụng lưới và dây điện, Ukraine còn sử dụng hình thức “ngụy trang kỹ thuật số” để khiến UAV Nga nhầm lẫn. Hồi tháng 4/2023, một bức ảnh chụp những chiếc M2A2 Bradley do Mỹ cung cấp được sơn màu ngụy trang của Ukraine đã xuất hiện trên mạng xã hội. Trong ảnh là hai chiếc xe bọc thép M2A2 Bradley. 

Một chiếc được sơn màu xanh lá cây đậm đặc, trong khi chiếc còn lại được ngụy trang bằng màu camo xanh lá cây. Một video khác cũng cho thấy một chiếc M2A2 Bradley khác trong màu sơn sa mạc.

Nga cũng tìm cách ngụy trang cho các loại phương tiện và vũ khí ngay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Quân đội nước này đã dùng cành cây thậm chí cả những tấm thảm lớn phủ lên xe tăng hoặc xe bọc thép để tránh bị đối phương phát hiện.

Ngoài ra, Moskva cũng sử dụng một lớp ngụy trang đặc biệt làm giảm khả năng hiển thị của các phương tiện chiến đấu trước quang phổ hồng ngoại và radar. Lớp ngụy trang này là vật liệu tổng hợp được phủ lên trên thiết bị, có tác dụng làm giảm mức độ bức xạ nhiệt của xe tăng, khiến nó gần như hòa lẫn với môi trường xung quanh. Với lớp ngụy trang này, khả năng phát hiện của radar sẽ giảm đáng kể.

Ngụy trang bằng gỗ tre

Quân đội Nga đã sử dụng nhiều vật liệu khác nhau bọc lót xe tăng giúp tránh các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương. Vào năm 2022, những chiếc xe tải quân sự của Nga đã thu hút sự chú ý khi được trang bị các tấm gỗ và những tấm kim loại phế liệu. Nhiều người cho rằng, những tấm gỗ này được thiết kế để che chắn bộ tản nhiệt của phương tiện và chúng được lấy từ các khu rừng mà xe tải đi qua.

Giáp lồng

Bên cạnh đó, Nga cũng lắp đặt giáp lồng cho các phương tiện. Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội hồi tháng 4 cho thấy Nga trang bị giáp lồng cho hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1A dường như để đối phó với máy bay không người lái (UAV) của Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng được cho là trang bị giáp lồng cho những chiếc xe tăng T-62 cũ của nước này trước khi đưa chúng ra mặt trận. Giáp lồng là biện pháp phòng thủ độc đáo, dùng cho các phương tiện quân sự hạng nặng để phòng thủ trước tên lửa Javelin cùng các tên lửa chống tăng khác, giảm bớt tác động từ các cuộc tấn công bằng UAV hay vũ khí chống tăng sử dụng đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT). ngại.

Đánh lừa radar

Khi quân đội Ukraine tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), Moskva đã triển khai các biện pháp đối phó như sử dụng thiết bị phản xạ radar hình chóp.

Cơ chế của việc sử dụng thiết bị phản xạ radar là tạo ra hình ảnh ảo bên cạnh các hình ảnh thật trên thiết bị radar vệ tinh của đối thủ. Nga đã lắp đặt các thiết bị này cạnh cầu Kerch nối lục địa Nga với bán đao Crimea, hoặc trong vùng nước ở phía Tây cầu Antonivsky và gần cầu đường sắt bắc qua sông Dnieper, tạo ra những cây cầu “ma” đánh lừa radar vệ tinh, khiến hệ thống tên lửa của đối phương dễ nhầm lẫn khi tấn công.

Khói ngụy trang

Thiết bị phun khói ngụy trang cũng được sử dụng phổ biến trên chiến trường. Đây là cách ngụy trang nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp.

Theo đó, khi phát hiện mối nguy hiểm trên chiến trường, các xe đặc chủng sẽ phun màn khói dày đặc có tác dụng vô hiệu hóa hầu hết các thiết bị trinh sát điện tử của đối phương, kể cả hệ thống dẫn đường dành cho tên lửa tấn công. Các màn khói ngụy trang thường có kích thước lớn hơn rất nhiều so với thiết bị quân sự mà nó bảo vệ.

Hồng Anh (VOV.VN/Eurasia Times)

Tin mới